|
Thể chất của trẻ em miền núi thấp hơn so với miền xuôi đang là một trong những nguy cơ làm mất cân đối dân số - ảnh: Trần Quỳnh |
Thực trạng mất cân đối về chất lượng dân số giữa miền núi và miền xuôi
Nước ta có 15 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, gồm: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự Chứt và 02 dân tộc thiểu số (Phù Lá, La Hủ) tuy có dân số trên 10.000 người nhưng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn tương đồng với 15 dân tộc thiểu số nêu trên. Các dân tộc thiểu số này được xếp vào nhóm dân tộc yếu thế.
Từ xuất phát điểm thấp, với tổng số trên 74.000 người, chiếm 0,08% so với dân số toàn quốc; 0,55% so với dân tộc thiểu số, nhóm các dân tộc yếu thế cư trú tập trung tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước và luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người khi tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 - 4 lần so với các nhóm dân tộc khác; thu nhập bình quân đầu người chỉ từ 400.000 - 800.000 đồng/tháng/năm. Tỷ lệ số người không biết đọc, biết viết, tái mù chữ vẫn còn chiếm cao. Tình trạng này đã và đang dẫn đến mất cân đối giữa vùng miền núi dân tộc với các vùng khác, trong đó có vấn đề mất cân đối với phát triển dân số.
ThS. Phạm Thị Thúy Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc cho biết, có nhiều chỉ số đáng quan ngại trong bức tranh thực trạng dân số của 16 dân tộc thiểu số rất ít người. Đó là các chỉ số về tỷ suất chết thô, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ sinh sống, tỷ suất chết mẹ ở nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người đều cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc.
Tuổi thọ trung bình của dân tộc thiểu số rất ít người chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước, đồng thời số năm sống khỏe mạnh trong cuộc đời của người dân các dân tộc này cũng thấp so với các dân tộc khác.
Chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người được phản ánh qua các yếu tố về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Theo đó thì người dân tộc thiểu số rất ít người có tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) thấp so với các dân tộc khác; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân.
Về trí tuệ: tỷ lệ người biết đọc, biết viết ở người La Hủ mới đạt 25,3%, Lự 23,3%, Cờ Lao 34,3%, Mảng 32,4%... Tỷ lệ học sinh bỏ học cao, cao nhất là dân tộc La Hủ trên 20%, thấp nhất là dân tộc Pà Thẻn xấp xỉ 9%...
Đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số rất ít người còn nghèo nàn. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, tivi, radio, điện thoại có sự chênh lệch rõ rệt so với các dân tộc khác. Ví dụ, trong khi số hộ người Tày có tivi lên tới 93,8%, Mường 92% thì dân tộc Chứt chỉ có 47,5%, La Hủ 29,9%, Lô Lô 43,6%, Mảng 36,9%.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá phổ biến, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26%. Một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như Ơ Đu 72,73%, Mông 59,6%, Rơ Măm và Brâu 50%... Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng khi người mẹ sinh con lần đầu dưới 18 tuổi có thể gây tình trạng đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu. Còn hôn nhân cận huyết thống gây bệnh tan máu bẩm sinh, chi phí điều trị vô cùng tốn kém và gây suy thoái giống nòi…
Hiện nay, xét về quy mô dân số cho thấy biến động về dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người tương đối lớn. Dân tộc Ngái qua 6 năm có tốc độ tăng dân số âm, từ 1.035 người năm 2009 xuống còn 999 người năm 2015, giảm 4,5%; dân tộc Lô Lô từ 4.541 người năm 2009 giảm xuống còn 4.314 người, giảm 5%. Một số dân tộc có dân số không ổn định qua các thời điểm điều tra như Pu Péo, Si La.
Ông Thẩm Thìn Thò, dân tộc Ngái ở thôn Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bày tỏ trăn trở lo âu trước sự biến động dân số theo chiều hướng âm của dân tộc mình và mong Đảng, Nhà nước có biện pháp thúc đẩy dân số của dân tộc Ngái nói riêng, các dân tộc thiểu số rất ít người nói chung.
ThS. Phạm Thị Thúy Hà cho rằng, với hiện trạng đáng lo ngại trên thì việc tạo điều kiện phát triển dân số các dân tộc thiểu số rất ít người là rất cần thiết và cấp bách.
Vùng dân tộc thiểu số hiện nay đang là "lõi nghèo" của đất nước. 16 dân tộc thiểu số rất ít người chính là "lõi" của "lõi nghèo" bởi hiện trạng kinh tế - xã hội đang hết sức khó khăn, với các chỉ số phát triển đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và so với các dân tộc thiểu số khác.
Cần đẩy mạnh khắc phục mất cân đối về chất lượng dân số giữa miền núi và miền xuôi
GS.TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội nhấn mạnh, từ năm 1993, Đảng ta đã đưa ra quan điểm: Công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề xã hội hàng đầu của nước ta; là giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nhưng vấn đề nan giải nhất hiện nay là mất cân đối giữa miền núi và miền xuôi, trong đó có vấn đề mất cân đối với dân số.
Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận thấy vấn đề này, chính vì vậy, Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) đã chỉ rõ: "Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững. Thực hiện các giải pháp, chính sách và quản lý để khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển đối với từng lĩnh vực, từng vùng, bảo đảm sự hài hòa cả trong phát triển, hưởng thụ; bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý. Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội".
|
Nghị quyết số 21 BCHTW (khóa XII): "Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người" - Ảnh: Trần Quỳnh |
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần (thứ XII), đến Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hàng Nghị quyết số 21-NQ/TW của về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển".
Đặc biệt, phần liên quan đến vùng dân tộc và miền núi, Nghị quyết số 21-NQ/TW xác định mục tiêu: "Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người".
Quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Trong chương trình hành động, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc.
Vì vậy, thúc đẩy phát triển dân số các dân tộc thiểu số rất ít người sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bù đắp thiếu hụt lao động; góp phần kích thích tiêu dùng xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển về số lượng dân trong mỗi dân tộc rất ít người, đồng thời còn phát triển cả về chất lượng dân số sẽ giúp tránh nguy cơ mất thành phần một số dân tộc thiểu số rất ít người, tạo ra năng lực phát triển để đồng bào các dân tộc thực hiện quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác và nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển của đất nước./.