Cần quản lý chặt nguồn gốc hàng tại các chợ đầu mối 

(ĐCSVN) - Cả nước hiện có hơn 8.500 chợ, nhưng chỉ có 83 chợ đầu mối. Một thực tế cho thấy, đại đa số các chợ này đều thực hiện phương thức giao dịch truyền thống, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa và truy xuất nguồn hàng.
 

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại diện ban, ngành liên quan (Ảnh: K.D) 

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ; trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn.

Ông Hội cho rằng, hạn chế của chợ đầu mối là đa số vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn… Do đó, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần sử dụng các biện pháp như: phân cấp giám sát từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng nông sản… cùng với hàng loạt các biện pháp kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm hàng lưu thông trong chợ.

Cũng theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, tại chợ đầu mối hiện nay, việc quản lý hàng hóa rất khó khăn, nhất là chứng từ hàng hóa có đủ tiêu chuẩn. Người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu dùng chợ để buôn bán thực phẩm, do vậy vấn đề an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Chợ đầu mối phải là chợ an toàn thực phẩm, nếu không sẽ làm mất ý nghĩa.

Rõ ràng, quan trọng nhất trong quản lý hàng hóa vẫn là truy xuất nguồn gốc. Truy xuất nguồn gốc không phải việc dán tem đơn thuần, mà là quản lý toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc phải hỗ trợ được giao thương, xuất nhập khẩu và buôn bán, trao đổi thông tin thương mại, đồng thời tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo thị trường lành mạnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế./.

Kim Dung

542 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 645
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 645
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76737161