|
Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (ảnh: Dương Dung) |
Qua thảo luận, các thành viên Hội đồng Dân tộc đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, đối chiếu với những nhiệm vụ tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 1409/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay qua hơn một năm triển khai, tiến độ thực hiện Chương trình quá chậm.
Theo Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2021, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, việc chưa làm rõ mối quan hệ, phạm vi đối tượng, cơ chế, chính sách của Chương trình với hai Chương trình mục tiêu quốc gia mới được phê duyệt, đặc biệt là các nội dung về phát triển sản xuất, giảm nghèo, an sinh xã hội sẽ dẫn tới nguồn lực bị phân tán, trùng lắp, chồng chéo trong quá trình thực hiện...
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời phát hiện, chỉ ra những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật… để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ủy ban Dân tộc chủ động hơn nữa trong công tác chủ trì, tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, đặc biệt là ban hành quyết định đầu tư Chương trình và hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh đó, kế hoạch, lộ trình cần được xây dựng cụ thể, đặc biệt là xác định rõ những nhiệm vụ cần tập trung giải quyết, ưu tiên đầu tư để giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ năm 2021 và dự kiến năm 2022; khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc của Chương trình đề ra, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung địa bàn đặc biệt khó khăn để giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; phân cấp mạnh cho địa phương để chủ động trong công tác quản lý, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trước đó, Hội đồng Dân tộc đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Trong phiên làm việc ngày 8/10, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng Dân tộc khóa XV, dự thảo Chương trình công tác toàn khóa của Hội đồng Dân tộc khóa XV./.
PV