Chiều 11/9, tại TP Hồ Chí Minh, Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức hội nghị chuyên đề về Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
Hội nghị là dịp để các đại biểu trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ thực tiễn địa phương, đơn vị mình
Trong những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động đã được Đảng và Nhà nước và các cấp công đoàn quan tâm, chỉ đạo góp phần ổn định sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định tại doanh nghiệp, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động vẫn ngày càng có xu hướng gia tăng, trong đó năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động, làm 8.229 người bị nạn, trong đó 1.039 người chết, tăng gần 12% so với năm 2017.
Tại Hội nghị lần này, với tinh thần đoàn kết, hợp tác và chia sẻ, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác an toàn vệ sinh lao động như: thực trạng về công tác an toàn vệ sinh lao động hiện nay; vai trò, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong việc phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền trong việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ những mô hình, cách làm hay tại đơn vị mình đồng thời đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, qua đó kiến nghị các giải pháp để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và ngăn ngừa sự cố sản xuất.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị
Theo ông Nguyễn Thành Đô, trưởng ban chính sách, pháp luật của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, hiện công tác an toàn lao động ở một số nơi vẫn chưa được xem trọng, buông lỏng làm ảnh hưởng đến nguồn sống của người lao động và gia đình họ.
Nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động có rất nhiều. Một trong những nguyên nhân là do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó còn do nhận thức và ý thức chấp nhận các quy định về an toàn vệ sinh lao động của người lao động chưa tốt.
Để làm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, các đại biểu cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp phải nhận diện, phân tích được các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại đơn vị mình và từ đó có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ đó. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh lao động trong công nhân, viên chức, lao động và các cơ sở, đơn vị mình. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải gần gũi, đơn giản, dễ hiểu và thiết thực với chính bản thân người lao động.
Từ thực tiễn tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho rằng, cần triển khai, hướng dẫn kịp thời các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách mới ban hành có liên quan tới công tác an toàn vệ sinh lao động, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đến các công đoàn cơ sở và công nhân, viên chức, người lao động.
Phối hợp với ngành lao động thương binh xã hội thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ cao mất an toàn./.
Tin, ảnh: V.Lê