|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: QH |
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình, liên quan đến nội dung trên Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 08 chương và 116 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Thanh tra để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Quan điểm sửa đổi trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Thẩm tra các nội dung của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc tổ chức các cơ quan Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh như hiện nay. Bên cạnh đó, về tổ chức Thanh tra huyện, đa số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra. Theo đó, đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Góp ý nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, khi nói đến thanh tra cấp huyện có quan điểm so sánh cơ quan này giống mô hình HĐND, cho rằng cấp này là hình thức. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu đó là do cách tổ chức chưa tốt, hoặc do bố trí lực lượng còn mỏng.
Vì vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với việc tiếp tục duy trì hệ thống thanh tra các cấp như hiện nay, trong đó có thanh tra cấp huyện, song cần tăng cường đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Chính phủ trình là giữ nguyên cấp Chính phủ, cấp tỉnh, cấp huyện. Ủy ban Pháp luật đa số đề nghị bỏ thanh tra huyện, chỉ còn 2 cấp Chính phủ và tỉnh với một số lý do huyện ít việc, ít biên chế. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ cho ý kiến, bởi vì còn liên quan nhiều luật khác./.