Tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng cao và ngày càng trẻ hóa
Đái tháo đường (hay Tiểu đường, Đái đường) là một bệnh chuyển hoá, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Đây là một loại bệnh rất hay gặp chiếm tỉ lệ tới 60 - 70% các bệnh về nội tiết nói chung) và gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể.
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), hiện toàn thế giới có trên 415 triệu người bị bệnh này, con số dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường cao gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác.
Ước tính hiện Việt Nam có trên 3,5 triệu người đang chung sống với bệnh ĐTD. Tỉ lệ người mắc bệnh này đang tăng cao từ 1,5% và 2,6% năm 2010 lên 3,5 và 4,1% năm 2015. Nguy hiểm hơn là tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận...
Các thầy thuốc trẻ xét nghiệm đái tháo đường và tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho người dân .
Ảnh: Minh Châu.
Đáng chú ý, tỷ lệ người mắc bệnh chưa được chẩn đoán chiếm tỷ lệ cao, tới 68,9% dân số và có 71,1% dân số chưa được quản lý bệnh này. Trong khi đó, gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này cũng rất lớn.
Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao gồm: Người làm việc văn phòng, lối sống ít vận động, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh; Béo phì; Người có tiền sử đã có bệnh tăng huyết áp hoặc rối loạn chuyển hóa lipid; Người có tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường.
Các bệnh nhân đều có các triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân. Ngoài ra người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi ... Nếu bệnh nhân không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng.
Theo TS Trương Đình Bắc, đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc, lạm dụng rượu bia.
TS Trương Đình Bắc phân tích, bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ sẽ giúp phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2.
Tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam tại quyết định Số 1092/QĐ-TTg, đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có ít nhất 50% bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện bệnh và tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2030, đồng thời tăng tỉ lệ bệnh nhân được quản lý tại các cơ sở y tế lên 30-40% trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 12% xã trên cả nước thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý bệnh đái tháo đường tại xã. Do đó, Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở áp dụng nguyên lý y học gia đình. Mục tiêu, đến năm 2019, mỗi địa phương sẽ triển khai ít nhất 15% số trạm y tế điểm...
TS.BS. Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Quân đội 108, ĐTĐ là bệnh mạn tính và gây nhiều biến chứng, do đó người bệnh cần có thái độ bình tĩnh để xắp xếp lại sinh hoạt, chế độ ăn uống và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.
Bản chất của bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hoá, do đó người bệnh ĐTĐ cần có chế độ ăn uống hợp lý với tỉ lệ các chất dinh dưỡng đúng như phác đồ điều trị của thầy thuốc.. Hạn chế đường, chất béo và cacbonhydrat; Bỏ thuốc lá; Luyện tập thể dục, thể thao…
“Chế độ ăn hợp lý giúp cho bệnh nhân ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân”. BS Tân nói./.
Theo Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường - nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở Việt Nam (sau bệnh ung thư và tim mạch) cũng như sự cần thiết của việc khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh. Qua đó, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỉ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh…/.
Phương Anh