|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các địa phương có ngành chăn nuôi phát triển, các viện, trường, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi.
Báo cáo tổng hợp của Bộ NN&PTNT cho thấy, chăn nuôi là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ở giác độ phát triển kinh tế, an ninh lương thực, mà còn là công ăn việc làm, sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân.
Từ những năm 60 của thế kỷ 20, với chủ trương đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, phát động phong trào trong chăn nuôi.
Đặc biệt, triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản lượng, giá trị của ngành chăn nuôi luôn thuộc tốp đầu trong khối nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa... cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Giai đoạn 2008-2020, sản lượng thịt các loại đã tăng hơn 1,6 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn), trứng tăng gần 3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 14,5 tỷ quả), sữa tươi tăng 4,1 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 1.100 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu với giá trị gần 1 tỷ USD, như lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... bước đầu khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Trong đó điển hình là thịt gà đã xuất sang được Nhật Bản, sữa xuất đến trên 43 nước, có cả Mỹ, châu Âu, đặc biệt là đã xuất được chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là những dấu ấn và triển vọng rất tích cực của ngành chăn nuôi trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, ngành chăn nuôi đang còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập. Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư chăn nuôi, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất chăn nuôi trong nước.
Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ, nhiều dịch bệnh nguy hiểm chưa được thanh toán, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng và làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chăn nuôi chưa có nhiều đột phá. Công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác dự báo, dự tính về thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Hoạt động giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp, nhất là chế biến sâu còn nhiều hạn chế..
Trước yêu cầu tình hình mới, Bộ NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Còn phát triển tự phát
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với nhiều ý kiến thảo luận về vai trò của ngành chăn nuôi Việt Nam và những kết quả quan trọng, tích cực trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ở giác độ phát triển kinh tế, an ninh lương thực mà còn là công ăn việc làm, sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi trong thời gian qua. Trong đó, theo Phó Thủ tướng, hạn chế lớn nhất chính là việc phát triển ngành chăn nuôi còn tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa có kế hoạch, chưa gắn với thị trường trong nước và quốc tế.
"Vấn đề về quy hoạch, kế hoạch chưa được đặt đúng tầm quan trọng, mà còn có tình trạng phát triển tự phát, theo phong trào, chạy theo thị trường, dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu trong chăn nuôi, lệch pha cung cầu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời dẫn chứng, như năm 2017, do quá dư thừa nguồn cung, giá lợn giảm xuống mức thấp kỷ lục, buộc Chính phủ, Bộ NN&PTNT phải thực hiện cuộc “giải cứu lợn”. Chỉ 2 năm sau, cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, giá lợn lên cao kỷ lục.
Nhiều cơ hội phát triển ngành chăn nuôi
Theo Phó Thủ tướng, những khó khăn, thách thức mà chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới là rất lớn. Song nếu xét về tổng thể thì thời cơ và thuận lợi cho sự phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới vẫn là cơ bản.
Chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện và hiện đại, trong đó có chăn nuôi tiếp tục được Đảng và nhà nước quan tâm, khuyên khích phát triển. Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2018 và có hiệu lực từ 1/1/2020 và các văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để phát triển ngành chăn nuôi.
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của thị trường trong nước và khu vực tiếp tục tăng cao do sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế. Năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang được nâng cao đáng kể, một mặt giúp tăng năng suất, hạ giá thành, một mặt tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
"Đã có những doanh nghiệp chăn nuôi bản lĩnh, năng động, có nhiều sản phẩm thương hiệu trong nước và quốc tế. Đây là những đầu tàu, mô hình tốt để nhân rộng, hình thành các chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra, từ chăn nuôi đến thương mại", Phó Thủ tướng đánh giá.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới cũng là thời cơ để chăn nuôi Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại của các nước có nền chăn nuôi tiên tiến.
|
Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Coi các doanh nghiệp lớn là đầu tàu ‘kéo’ ngành chăn nuôi
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 một cách khoa học, bài bản.
"Chiến lược là công cụ quan trọng để vừa định hướng, vừa kiểm soát phát triển. Muốn phát triển bền vững phải kiểm soát được phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và bám sát các nhu cầu của thị trường", Phó Thủ tướng nói và cho rằng: “Chiến lược đã định hướng phát triển ngành chăn nuôi thực sự có sức cạnh tranh, phát triển bền vững, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển đất nước”.
Về thời kỳ xây dựng chiến lược, Bộ NN&PTNT đề nghị chiến lược giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2040. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị nên xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030, có tầm nhìn đến năm 2045, 2050 hoặc dài hơn.
Về quan điểm, nội dung của chiến lược, Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển chăn nuôi phải gắn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, tránh "lệch pha" cung cầu. "Đây là vấn đề rất khó, nên phải vừa đánh giá, dự báo, vừa cập nhật, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, theo đúng diễn biến; tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược, thiếu kế hoạch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi phải đảm bảo năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, nên phải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bên cạnh đó cũng coi trọng chăn nuôi truyền thống, để có những sản phẩm đặc thù của Việt Nam, gắn với du lịch.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp, coi đây là “đầu tàu”, là động lực chính để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tạo các chuỗi liên kết.
Về các giải pháp trong chiến lược, Phó Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật. Đồng thời làm rõ các giải pháp cụ thể như về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, nhân lực, nguồn vốn, tín dụng, hỗ trợ chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường...
Nhật Bắc