Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quang Khánh)
Nâng cao hiệu quả thực hiện dự án
Chiều ngày 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trình bày tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, về mặt chính sách pháp luật, quy định về PPP vẫn cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa. Bởi, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định; Nghị định này chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Tuy nhiên, quy định tại các Luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, nhưng do pháp lý về PPP ở cấp Nghị định nên không thể trái Luật. Vì vậy, việc không thể phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư dẫn đến quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi đó, việc thay đổi quy định tại các Luật nêu trên hoặc các nghị định dưới Luật đều có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tuân thủ hợp đồng dự án PPP. Trong bối cảnh này, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Hiện quy định về PPP tại nước ta được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20 - 30 năm. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Do vậy, rủi ro khi chính sách thay đổi là hiện hữu đối với nhà đầu tư, dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư đề xuất áp dụng bảo lãnh hoặc yêu cầu một mức lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn nhằm bù đắp cho những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí của bản thân dự án, chi phí xã hội để thực hiện dự án PPP (thời gian thu phí kéo dài, mức phí cao ảnh hưởng tới người dân sử dụng dịch vụ) cũng như chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế do cam kết từ phía công còn thấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng khung pháp lý với hiệu lực cao hơn (văn bản Luật) góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, khắc phục được các tồn tại, bất cập do khâu thực thi trong bối cảnh thiếu chế tài đối với hành vi vi phạm.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công. Quy định hiện hành tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã đề cập đến vốn góp của Nhà nước, được xem là công cụ hỗ trợ trong giai đoạn xây dựng nhằm tăng tính khả thi cho dự án; tuy nhiên trên thực tế, trừ các dự án quan trọng được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế riêng, chưa có dự án PPP nào được bố trí phần vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bởi nguồn vốn đầu tư công rất hạn hẹp và trình tự, thủ tục cân đối, bố trí vốn cũng chưa phù hợp với đặc thù dự án PPP. Hơn nữa, trong quá trình triển khai các dự án nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế và một số nhà đầu tư quan tâm đều đề cập việc thiếu hụt công cụ bảo đảm, bảo lãnh trong chính sách hiện nay. Các nội dung nêu trên đều không thể quy định ở cấp Nghị định của Chính phủ do vướng các Luật như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công.
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cần cẩn trọng
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cũng khẳng định đây là dự án Luật khó, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong các nghị quyết và chủ trương của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ sớm ban hành một dự án Luật về đầu tư đối tác công tư để thực hiện, xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra với mục tiêu huy động được các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng để làm được luật này là rất khó, bởi đang có rất nhiều vấn đề chưa có câu trả lời một cách đầy đủ và thuyết phục. Do vậy, việc xây dựng luật cần phải rất thận trọng và rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng nhấn mạnh, đây là một luật không chỉ có tác động kinh tế sâu rộng, mà còn có tác động xã hội rất lớn, song vẫn còn hàng chục điều chưa được quy định rõ. Băn khoăn về tính thống nhất, đồng bộ với các dự án luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị chỉ luật hóa những nội dung đã rõ ràng. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo tham khảo kỹ ý kiến các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài khi xây dựng các quy định trong dự án Luật.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt vấn đề, PPP khác với xã hội hóa như thế nào? Có phải PPP nằm trong xã hội hóa không hay xã hội hóa nằm trong PPP? Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu câu hỏi, theo quy định của dự án Luật, phải chăng dự án lớn là PPP, dự án vừa là xã hội hóa?
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Qua xem xét Tờ trình; Báo cáo thẩm tra cũng như các ý kiến phát biểu của UBTVQH tại phiên thảo luận, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn, tổng kết sâu sắc hơn những vướng mắc, cách xử lý và hiệu quả đem lại trong hơn 20 năm thực hiện quy định. Cụ thể, đối tượng áp dụng, hình thức, lĩnh vực áp dụng đầu tư PPP ra sao, quy mô áp dụng đầu tư, phân loại đầu tư giữa các dự án PPP dựa trên quan điểm như thế nào, dựa trên kinh nghiệm của các nước thế nào.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị cần làm rõ tính khả thi của luật này với các luật khác, liệu có tạo ra sự xung đột pháp lý với các luật khác hay không? Đồng thời cần làm rõ thẩm quyền quyết định các loại dự án, mức độ tham gia của nhà nước, vấn đề chia sẻ rủi ro như thế nào cho hợp lý để tránh tư tưởng ỷ lại, lợi dụng chính sách Nhà nước hoặc tạo ra ghánh nặng cho Nhà nước, nhất là khi các dự án được triển khai trong thời gian dài...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh lại dự án Luật; giao Ủy ban Kinh tế tổ chức thẩm tra chính thức đảm bảo dự án Luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận./.
Tú Giang