Đó là ý kiến đóng góp của các đại biểu vào Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Hội thảo tham vấn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tổ chức GIZ tổ chức sáng 15/3, tại Hà Nội.
Theo thông tin tại Hội thảo, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 25/9/2015. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Với 115 mục tiêu, trong đó 55% số mục tiêu có liên quan đến Bộ NN&PTNT (chủ trì hoặc phối hợp).
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)
Những kết quả bước đầu
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, nông nghiệp bền vững cần thỏa mãn các yêu cầu hiện đại đồng thời thực hiện được các yêu cầu về giữ gìn quỹ đất, quỹ nước, tính đa dạng sinh học; xây dựng ngành nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế là xu hướng tất yếu.
Xác định phát triển bền vững là nhiệm trọng tâm, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật thế hệ mới: thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản. Thời gian tới sẽ trình Quốc hội các Luật chăn nuôi, trồng trọt theo hướng phát triển bền vững.
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), thực hiện mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cùng với một số chương trình khác đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72% (giảm 1,51% so với cuối năm 2016).
Với mục tiêu xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã và đang thực hiện có hiệu quả. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016, giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng (năm 2012) lên khoảng 29,2 triệu đồng (năm 2016).
Cùng với đó, thực hiện quản lý tài nguyên nước, đã có 29 tỉnh ứng dụng SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến) với 1.813.201 hộ dân tham gia tưới tiết kiệm nước. Tưới tiêu tiết kiệm nước cho cây trồng cạn 150.000ha, tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2016 là 87,5%.
Năm 2017, cả nước có khoảng 600 nghìn ha sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, GlobalGAP được phổ biến nhân rộng. Có 1.495 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 19.213,5ha.
Cần theo dõi, đánh giá triển khai các nhiệm vụ
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thực hiện chương trình vì sự phát triển bền vững ngành NN&PTNT, thu nhập và đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả của thị trường. Cùng với đó là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn lớn.
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với Kế hoạch hành động, Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện 8/17 mục tiêu lớn; 20/115 mục tiêu cụ thể, 103/646 nhiệm vụ lớn; phối hợp thực hiện 14/17 mục tiêu lớn và 47/115 mục tiêu cụ thể, 255/646 nhiệm vụ.
Trong đó, Bộ tham gia chủ trì các mục tiêu: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn,…
Triển khai kế hoạch, các giải pháp được ngành nông nghiệp xác định cụ thể như: bổ sung, hoàn thiện các chính sách hiện hành nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai. Lồng ghép các yếu tố nghèo trong chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm triển khai tốt kế hoạch hành động, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo cho rằng, vai trò quan trọng nhất là giao nhiệm vụ cho các vụ, viện cơ sở, đồng thời bổ sung sau mỗi mục tiêu về việc giám sát, đánh giá thực hiện các nhiệm vụ. Qua đó, có thông tin dữ liệu để báo cáo trong các trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch với những hành động và mục tiêu định lượng cụ thể. Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành. Triển khai kế hoạch hành động phát triển bền vững trên cơ sở lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, đồng thời kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong thực hiện kế hoạch./.
BT