Cần linh hoạt tiếp sức cho doanh nghiệp 

(ĐCSVN) - Cả hệ thống chính trị vào cuộc để yểm trợ cho doanh nghiệp với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ lực lượng tiên phong trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động với các giải pháp khá toàn diện và rộng khắp, liều lượng phù hợp.

 

Cần những phản ứng khẩn trương, linh hoạt và có trách nhiệm của cơ chế và bộ máy để có thể tiếp sức cho doanh nghiệp (Ảnh: M.P)

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh những giải pháp của Chính phủ “tiếp sức” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Năm “mũi giáp công” trên mọi mặt trận

Theo ông Vũ Tiến Lộc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương trong cả nước tổ chức vào ngày thứ Sáu (10/4) tuần qua với các quyết sách đồng bộ được đưa ra thực sự mang ý nghĩa tổng động viên các nguồn lực của xã hội cho mặt trận chống suy thoái kinh tế duy trì tăng trưởng. 

Năm “mũi giáp công” trên mặt trận, theo ông Vũ Tiến Lộc có thể khái quát là: “Mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh cơ chế và khai thị trường”.

Chẳng hạn, “Mở ngân sách” có các biện pháp: miễn, hoãn, giảm thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách của doanh nghiệp và người dân, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn.

“Nới tiền tệ” bao gồm: tái cấu trúc các khoản nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí và thủ tục cho vay, cung ứng kịp thời các nguồn tín dụng với chi phí rẻ hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

“Đẩy đầu tư” bằng các biện pháp: cấp tập giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tham gia vốn của nhà nước vào các dự án đối tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.

“Nhanh thể chế”: tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để thúc đẩy cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Lộc cho rằng, các mũi giáp công khá đồng bộ, toàn diện. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để yểm trợ cho doanh nghiệp với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ lực lượng tiên phong trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo vệ nền tảng sức mạnh của nền kinh tế quốc gia. Các giải pháp khá toàn diện và rộng khắp, liều lượng phù hợp. Vấn đề còn lại là tổ chức thực thi. Thực thi phải nhanh, thực thi minh bạch, nhất quán và đồng bộ. Không chỉ bản thân chính sách mà thực thi cũng sẽ quyết định hiệu quả chuẩn chính sách.

 Cách ly về y tế nhưng chung tay về cơ chế

Sau khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI phản ánh, khi nghe thông điệp quyết liệt của Chính phủ thì các doanh nghiệp rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi thì vẫn chưa thể yên tâm.

“Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Thủ tướng thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, cơ quan công quyền thì ở đâu đó vẫn ung dung”, ông Lộc nói.

Trong những ngày qua khi cả nước và cộng đồng doanh nghiệp gồng mình chống đỡ để lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, nhưng ở một số địa phương vẫn có hiện tượng ngăn sông cấm chợ , buộc doanh nghiệp ngừng sản xuất, hàng hóa không lưu thông…

Chủ tịch VCCI cho rằng, hỗ trợ tiền bạc, thuế, phí, tín dụng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là những phản ứng khẩn trương, linh hoạt và có trách nhiệm của cơ chế và bộ máy để có thể tiếp sức cho doanh nghiệp.

“Chúng ta “cách ly y tế“ nhưng chúng ta phải “chung tay về cơ chế“ để thực sự đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân”, ông Lộc đề nghị.

Nêu ra một việc cụ thể, Chủ tịch VCCI cho rằng đã đến lúc có biện pháp khôi phục xuất khẩu giúp giải cứu ngành dệt may trong bối cảnh khó khăn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, sản xuất khẩu trang đang là "cỗ máy" in tiền thời dịch bệnh. Công suất sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh. Doanh nghiệp cũng muốn tạo điều kiện xuất với một số mặt hàng như thiết bị bảo hộ, hay các thiết bị vật tư y tế khác…

Ông Lộc nhận định,  với những kết quả trong phòng chính chống dịch bệnh xuất sắc của Việt Nam, cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp và xuất khẩu các mặt hàng này không hề nhỏ.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng: Ở cấp độ kinh doanh, quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp phải “trong nốt nhạc”.

“Chúng ta đang trong thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt khỏi khó khăn. Nếu như hơn 50% doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được trong thời gian 5, 6 tháng tới và 80 % doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp (theo kết quả khảo sát của VCCI) thì 5, 6 tháng tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian vàng để chúng ta có thể tiếp sức và giải cứu cho doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

Đại diện VCCI nhấn mạnh: Tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này. Trong thời đại dịch, trọng tâm công tác của chính phủ vẫn phải là thể chế, không vì những chỉ đạo thường ngày mà sao nhãng chức năng cốt lõi./.

 

 

 
Minh Phương
173 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1009
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1009
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77257090