Có hay không dấu hiệu lừa đảo?
Hơn một năm qua, nhiều người dân ở thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị rơi vào cảnh điêu đứng vì các chủ nợ là Lê Thị Hồng Ân, trú tại 466 Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị, là cán bộ ngân hàng và Nguyễn Thị Lan Hương cùng chồng là Võ Lê Long, hộ khẩu ở 12/36 Đặng Tất, TP Đông Hà, Quảng Trị (tạm trú ở khu phố 4, phường 1, TP Đông Hà) tuyên bố vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo phản ánh, người cho Lê Thị Hồng Ân, Võ Lê Long và Nguyễn Thị Lan Hương vay với số tiền nhiều nhất là chị Văn Thị Kim Nhung, ở khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Theo chị Nhung, số tiền mà chị và gia đình cho 3 người này vay là trên 28 tỷ đồng trong thời gian từ cuối năm 2015 đến tháng 7.2016, đều có giấy viết tay vay nợ. Trong đó, vợ chồng Long - Hương vay trên 12 tỷ đồng, Lê Thị Hồng Ân vay trên 15 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, ở phường 1, TP Đông Hà cho 3 người này vay số tiền hơn 21 tỷ đồng. Chị Trâm cho biết: “Do quen biết với vợ chồng Hương- Long từ lâu nên rất tin tưởng. Vợ chồng Long - Hương cần một khoản tiền lớn để đáo hạn ngân hàng nên tôi đã vay mượn, cắm sổ đỏ nhà đất và huy động mọi người trong gia đình hùn lại cho vợ chồng Hương- Long và Lê Thị Hồng Ân vay với số tiền hơn 21 tỷ đồng”. Ngoài ra còn nhiều người cũng cho vợ chồng Hương - Long và Lê Thị Hồng Ân vay số tiền từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng việc cho vay và lãi suất theo thỏa thuận cá nhân.
Ngày 19.10.2016, cả hai vợ chồng Hương- Long và Lê Thị Hồng Ân tuyên bố vỡ nợ. Những người cho vay tiền đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, thu hồi tài sản, trả tiền cho những người đã cho vay. Thế nhưng hơn một năm qua, đơn thư và tố cáo của người dân không được giải quyết một cách thấu đáo.
Những người cho Nguyễn Thị Lan Hương, Võ Lê Long và Lê Thị Hồng Ân vay tiền cho biết, ngay sau khi có thông tin vỡ nợ, họ đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, trong đó có công an nhưng công an không vào cuộc điều tra làm rõ. Chỉ đến khi họ gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính và được ông Chính chỉ đạo làm rõ thì công an mới vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án.
Theo đánh giá của công an TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đây là vụ vỡ nợ lớn, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhiều người. Phó Trưởng công an TP Đông Hà, Thượng tá Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Đây là vụ án lớn và phức tạp nên các cơ quan của tỉnh trực tiếp điều tra. Để xảy ra vụ việc vỡ nợ lớn như thế nguyên nhân chính là người dân chưa tuân thủ quy định của pháp luật về cam kết vay, cho vay. Ngoài ra có dấu hiệu đánh vào lòng tham của con người vì lãi suất. Bởi nếu người dân tuân thủ quy định của pháp luật, có sự chứng thực của cơ quan chức năng sẽ khó dẫn đến vụ vỡ nợ này”, ông Nam cho biết.
Trình báo vỡ nợ tiền tỷ ở Quảng Trị |
Kiên quyết không bỏ lọt tội phạm
Vụ vỡ nợ năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, sau khi nhận được đơn thư của các gia đình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan điều tra phải vào cuộc để điều tra, làm rõ. Nếu có dấu hiệu của việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì phải tiến hành phong tỏa tài sản và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị hại. Còn kết quả như thế nào thì các cơ quan điều tra phải tiến hành làm rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính
|
Đội trưởng Đội điều tra (PC45 Công an tỉnh Quảng Trị), Trung tá Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đây là vụ án hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều người. “Do vậy, để tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm thì phải làm hết sức thận trọng”. Cũng theo Trung tá Tịnh, ngày 14.6.2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can với đối tượng Nguyễn Thị Lan Hương đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phê chuẩn. Tuy nhiên, đối tượng Nguyễn Thị Lan Hương hiện đang được tại ngoại vì mới sinh con. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục điều tra làm rõ sự liên quan giữa những người vay và cho vay, đồng thời xác định số lượng tiền đã cho vay cũng như số tiền vay này được thực hiện vào việc gì hoặc tẩu tán đi đâu”, Trung tá Tịnh cho biết.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC 45 tỉnh Quảng Trị), Thượng tá Trần Hữu Sơn cho biết, sẽ làm hết sức công tâm và không có sự khuất tất, bao che hoặc bảo kê cho hành vi phạm tội và người phạm tội. Trong quá trình điều tra, phải làm hết sức thận trọng để xử lý đúng người, đúng tội. Theo Thượng tá Trần Hữu Sơn, số tiền mà những người cho vay tố cáo lên đến gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra từ nhiều nguồn và qua ngân hàng, bước đầu chúng tôi xác định tổng số tiền của vụ án này là trên 46 tỷ đồng, có liên quan đến 16 người cho vay và 3 người vay là: Lê Thị Hồng Ân, Võ Lê Long và Nguyễn Thị Lan Hương. Sở dĩ có đủ căn cứ để khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Lan Hương là do sau khi biết mình vỡ nợ, không có khả năng chi trả nhưng Hương vẫn tiếp tục huy động tiền từ người dân nên chúng tôi xác định đây là hành vi lừa đảo. Còn Võ Lê Long và Lê Thị Hồng Ân đang trong quá trình điều tra làm rõ.
“Chúng tôi đang tiến hành các nghiệp vụ điều tra theo đúng quy định của pháp luật”, Thượng tá Sơn cho biết.