Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào ngày 8/9, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH
Các đại biểu bày tỏ tán thành và đánh giá cao Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đối với cơ quan chủ trì soạn thảo, và các cơ quan hữu quan đã tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật; khẳng định các cơ quan chức năng đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật rất rõ những ý kiến của đại biểu, trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.
Đồng thời, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ ghi nhận và đánh giá cao Ban soạn thảo đã cung cấp đầy đủ tài liệu, đặc biệt là có bảng so sánh dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với dự kiến tiếp thu và chỉnh lý đối với dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 3 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành rất rõ và rất cụ thể, vì vậy đại biểu cũng dễ tiếp cận để tham gia ý kiến đối với Luật.
Ban soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc, trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học để chỉnh sửa dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đặt ra.
Quy định rất rõ tính chất, mức độ hành vi
Thảo luận về các nội dung cụ thể, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là luật rất khó, bởi vì liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội, đến vấn đề văn hóa, đến phong tục, tập quán, các đặc điểm vùng miền. Vì vậy, việc bảo đảm về tính khả thi của Luật là một vấn đề lớn đặt ra.
Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về các hành vi bạo lực gia đình. "Tôi đề nghị với 15 nhóm quy định là hành vi của bạo lực gia đình thì phải quy định rất rõ tính chất, mức độ hành vi và trong khoản này để Chính phủ quy định chi tiết", đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nêu quan điểm, đồng thời đề xuất nên có xếp loại theo các nhóm vấn đề về bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, cũng như các loại bạo lực khác, xác định mức độ của các tính chất hành vi này để áp dụng các loại chế tài phù hợp.
Về trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, tại Điều 11 của dự thảo Luật có 4 khoản quy định về trách nhiệm của các thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, quy định này chưa thực sự đầy đủ. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo cần quy định bổ sung thêm một số trách nhiệm cho đầy đủ để thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, như trách nhiệm báo tin cho cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý về bạo lực trong gia đình, để kịp thời ngăn chặn vụ việc bạo lực gia đình; trách nhiệm tham gia giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.
Không áp dụng đối với người nước ngoài định cư ở Việt Nam
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thống nhất phạm vi áp dụng của Luật là không áp dụng đối với người nước ngoài định cư ở Việt Nam. "Người nước ngoài ở Việt Nam chúng ta không nhiều. Hành vi bạo lực gia đình nếu có tổng kết thì tôi nghĩ cũng có, nhưng có lẽ đếm trên đầu ngón tay, cho nên không nằm trong phạm vi áp dụng là rất phù hợp", đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, công tác hòa giải là cực kỳ quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu công tác hòa giải được tốt và được sự hài lòng, thỏa thuận của 2 bên, đặc biệt là phía bên người bạo lực và bị bạo lực thì đây sẽ là căn cơ, cốt lõi.
Liên quan đến xử lý tin về bạo lực gia đình, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: Khi xử lý bạo lực gia đình mà báo cho trưởng thôn, trưởng xóm, báo cho người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội của xã, sau đó báo cáo chủ tịch xã, rồi chủ tịch xã mới chỉ đạo cho công an... chưa được hợp lý, thậm chí làm rối thêm vụ việc. Vì vậy, đề nghị khi nhận được tin nhắn tố giác bạo lực gia đình thì người có trách nhiệm ở đó đến kịp thời ngăn chặn, rồi báo cho công an, không nhất thiết phải báo cho chủ tịch xã.
"Vụ việc xảy ra thì không nhất thiết phải báo nhiều nơi, nhiều chỗ như vậy. Phân cấp nhiều như vậy sẽ không ngăn chặn được kịp thời", ông Phạm Văn Hòa phát biểu.
Chú ý đến đối tượng trẻ em
Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, dường như dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình. Đại biểu dẫn chứng: "Trên thực tế, hằng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn. Theo thống kê của Tổng đài 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em, chiếm tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của một tổng đài, con số thực tế tôi tin sẽ lớn hơn rất nhiều".
Tuy nhiên, những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn. Nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 4 là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai.
Cũng về vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đề nghị tách riêng một mục quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm, đặc thù của nhóm đối tượng này.
Nguyễn Hoàng