Cần khắc phục tình trạng ngại phê bình, góp ý trong sinh hoạt chi bộ hiện nay 

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng với rất nhiều các giải pháp khác nhau, trong đó quan trọng nhất theo Người đó là : “ Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”  (bài báo Người viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng). Muốn thực hiện điều này, Người đã chỉ rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc…”. Bác Hồ còn nhấn mạnh: “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc” vì tất cả các hoạt động của chi bộ chủ yếu được thông qua với 3 hình thức: Sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Mỗi hình thức có yêu cầu riêng, nhưng phải có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trên cơ sở phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và tự phê bình và phê bình.

Tuy nhiên, thực tiễn sinh hoạt chi bộ hiện nay cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng ngại phê bình, ngại góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp, còn có tình trạng nể nang, né tránh, lựa chiều khi phê bình hay tình trạng đoàn kết một chiều. Đây là một nguyên nhân đã làm mất đi tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng. Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, đa số những người này có vi phạm kéo dài, thế nhưng cấp uỷ, chi bộ không phát hiện ra. Không ít đảng viên, tổ chức đảng không tự giác phê bình mà tìm mọi cách để giấu giếm, bao che, đỗ lỗi cho hoàn cảnh khách quan; một số cán bộ, đảng viên chưa mạnh dạn nói thẳng, nói thật, phê bình, góp ý cho cấp trên, vẫn còn tình trạng lợi dụng tự phê bình và phê bình để đã kích, nói xấu, hạ bệ chỉ trích, phê phán lẫn nhau, vì mục đích cá nhân “vạch lá tìm sâu”, “chuyện bé xé ra to”, làm cho người bị phê bình không nhận ra được sai lầm để sửa chữa. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chưa chú trọng và chưa ý thức được việc bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên trong công tác sinh hoạt, phát triển đảng nên ảnh hưởng rất nhiều đến năng lực điều hành, tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt là công tác phê bình và tự phê bình.

Nguyên nhân của tình trạng này do chưa làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình; chưa tiến hành tự phê bình và phê bình theo đúng quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn đó, để công tác tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy đảng, của từng cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với sự tiến bộ của mỗi người và tổ chức đảng để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện. Trong sinh hoạt chi bộ phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu điểm, thành tựu, phê bình nghiêm khắc những sai lầm, khuyết điểm của chi uỷ, chi bộ và của từng cán bộ, đảng viên và đề ra được biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Hai là, cần phát huy dân chủ nội bộ khi bàn bạc và quyết nghị mọi vấn đề thuộc phạm vi, quyền hạn của chi bộ, chi uỷ, thực hiện nghiêm túc quyền của đảng viên, duy trì thành nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan và trên cơ sở tình đồng chí, tôn trọng lẫn nhau giữa những người cộng sản. Cần tránh tình trạng nể nang, né tránh và xử lý kịp thời, nghiêm minh những người lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.

Ba là, việc tổ chức tự phê bình và phê bình trong Đảng phải đảm bảo tính đảng, tính giáo dục, khách quan, trung thực, kịp thời; phải xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức, phương pháp thực hiện. Kết hợp chặt chẽ  tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm sau khi tự phê bình và phê bình. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên để tự phê bình và phê bình đạt chất lượng, nhất là đối với những tổ chức đảng yếu kém, nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp.

Bốn là, chi bộ cần đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cáo chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Xuân Ngọc

 

3318 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 485
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 485
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76716797