|
Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành do Tòa án nhân dân Tối cao và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 4/1 tại Hà Nội.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, một trong những nội dung quan trọng được BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) là nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215) và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ thể hiện các hành vi vi phạm này có tính chất phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến mức phải dùng loại chế tài nghiêm khắc nhất – chế tài hình sự để xử lý, mà còn thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội. Những quy định này cùng với các quy định mới của một loạt đạo luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây (như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Tố tụng hình sự…) đã tạo ra nhiều cơ chế thực thi cũng như phương thức để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, lao động và trên thực tế đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên sau hơn 1 năm kể từ khi Bộ luật có hiệu lực thi hành, vẫn chưa khởi tố vụ án nào, dù cơ quan bảo hiểm xã hội đã gửi gần 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra. Nguyên nhân theo các đại biểu do quy định của Bộ luật Hình sự còn có những điểm chưa cụ thể, chưa chi tiết, cần phải có văn bản hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, nếu không sẽ vướng mắc khi áp dụng vào thực thi.
“Việc xử lý về hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, mặc dù đã có quy định trong Luật BHXH, Luật BHYT cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT (Khoản 2 Điều 138 Luật BHXH, Khoản 1 Điều 49 Luật BHYT), nhưng do Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi bị coi là tội phạm về BHXH, BHYT nên thực tế không xử lý được. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT đòi hỏi phải có tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự”, đại diện Vụ Pháp chế - BHXH Việt Nam cho biết.
Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho rẳng, dù đã có khung hình phạt cho từng tội danh nhưng các khái niệm về từng tội danh, hành vi chưa rõ, chưa cụ thể nên việc xác định tội danh trong từng trường hợp cụ thể rất khó.
Cụ thể, đối với tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214), cần phải xác định rõ phạm vi BHXH tại điều này bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện hay theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Cần phải xác định thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm, hành vi chiếm đoạt này có gì khác với các tội chiếm đoạt khác, tại sao lại tách hành vi chiếm đoạt này ra xử lý bằng tội phạm riêng, có phải vì khách thể mà điều luật này bảo vệ không chỉ là quyền sở hữu tài sản mà còn là quan hệ lao động và hoạt động bình thường của hệ thống an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc xác định số tiền chiếm đoạt cũng cần phải hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như trường hợp, người thực hiện hành vi chiếm đoạt được số tiền từ 10.000.000 đồng trở lên cho mỗi lần thực hiện mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay cả trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều lần khác nhau, mỗi lần đều dưới 10.000.000 đồng nhưng tổng số tiền chiếm đoạt trên 10.000.000 đồng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người lao động. Việc quy định các tội danh là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và hành vi vi phạm quyền thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Để làm được điều này, cần phải có đủ các chứng cứ chứng minh tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với các dấu hiệu như: Vật chứng, tài liệu, giấy tờ; lời khai người làm chứng, lời khai của bị can và bị cáo; kết luận giám định, biên bản khám xét, khám nghiệm và các hình thức chứng cứ khác…
Thu Cúc