Cần hơn 7.300 tỷ đồng bịt lối đi tự mở qua đường sắt 

(Chinhphu.vn) - Bộ GTVT vừa hoàn thành Đề án đảm bảo hành lang, xử lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia và đề xuất vốn thực hiện lên tới hơn 7.300 tỷ đồng, đồng thời đang hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Hiện nay trên các tuyến đường sắt có tới 4.100 lối đi tự mở và 1.514 đường ngang các loại
Hiện nay trên các tuyến đường sắt quốc gia có tới 4.100 lối đi tự mở (LĐTM) và 1.514 đường ngang các loại. Tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt chủ yếu xảy ra tại khu vực các LĐTM và các đường ngang này, đặc biệt là các đường ngang biển báo. Số vụ TNGT đường sắt xảy ra trên các LĐTM và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ TNGT đường sắt.

Cùng đó, trên hệ thống đường sắt vẫn còn tồn tại hơn 13.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và gần 1.600 vị trí tiềm ẩn TNGT đường sắt cần được giải tỏa.

Cục Đường sắt Việt Nam cho Báo Giao thông biết, Bộ GTVT vừa hoàn thành Đề án đảm bảo hành lang, xử lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia và đề xuất vốn thực hiện lên tới hơn 7.300 tỷ đồng. Bộ đang hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đề án chia làm 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2020-2025, cùng nhiều nhóm giải pháp cụ thể như tuyên truyền pháp luật ATGT đường sắt, giải tỏa vi phạm hành lang, cắm mốc giới đất đường sắt, xây dựng hàng rào, đường gom xóa LĐTM, thu hẹp LĐTM...

Trong đó, đề án đặt mục tiêu xây dựng hơn 675 km đường gom và hàng rào ngăn, xây dựng mới 305 đường ngang, 149 hầm chui, 2 cầu đường bộ vượt đường sắt (thuộc quy hoạch phát triển giao thông của TP. Hà Nội và tỉnh Nghệ An).

Khái toán thực hiện xử lý các vị trí LĐTM và hành lang đường sắt cần tới hơn 7.365 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện xử lý LĐTM gần 6.670 tỷ đồng (giai đoạn từ nay đến năm 2020 là hơn 2.310 tỷ đồng và giai đoạn 2020- 2025 gần 4.360 tỷ đồng).

Với kinh phí này sẽ xóa bỏ hoàn toàn LĐTM vào năm 2025, theo đúng lộ trình Nghị định 65/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017.

Đề án lần này xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng chủ thể, trong đó có địa phương trong thực hiện. Đề án cũng xác định cụ thể nguồn kinh phí và bố trí vốn thực hiện bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.

Cụ thể, kinh phí lập hồ sơ quản lý hành lang ATGT đường sắt và cắm mốc giới hành lang trong khu vực đô thị, kinh phí xử lý các vị trí vi phạm hành lang tiềm ẩn TNGT đường sắt tổng cộng khoảng 498 tỷ đồng sẽ được tăng cường bố trí thêm nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hằng năm.

Về kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo địa bàn của từng địa phương, sẽ sử dụng hơn 236 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương (giai đoạn 2016-2020) bố trí cho đường sắt để xây dựng 29,7 km đường gom. Số vốn còn lại 4.634 tỷ đồng sẽ sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và từ ngân sách Trung ương bố trí cho Kế hoạch 994.

Kinh phí xây dựng đường ngang, hầm chui khoảng 1.799 tỷ đồng cũng được lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương bố trí cho Kế hoạch 994 và vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2020-2025. Riêng khoản kinh phí thực hiện xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia tại Km 76+970 thuộc tuyến đường sắt Kép-Hạ Long-Cái Lân 198 tỷ đồng do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam bố trí.

420 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 940
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 940
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87065202