Sáng 27/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Sáng 27/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường (Ảnh: quochoi.vn)
Giải quyết ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề cập đến một vấn đề gây bức xúc cho cử tri đó là, ô nhiễm môi trường mà cụ thể là rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng dân cư. Vì hầu hết các địa phương vẫn còn việc thực hiện xử lý rác bằng phương pháp thu gom, chôn cất hoặc đốt, mà chưa có những nhà máy xử lý rác hiện đại theo kiểu công nghiệp. Mặt khác, dưới sự phát triển mạnh của dân số, hiện nay người đông mở rộng ra các đô thị, điều này làm khoảng cách giữa các bãi rác và khu dân cư ngày càng rút ngắn, đồng thời sức chứa của các bãi rác có hạn, nhiều loại rác tiêu huỷ khó, nước bẩn mùa mưa tràn ra gây mùi hôi thối bốc hàng kilomet… gây bức xúc trong nhân dân.
“Đây không phải là vấn đề mới phát sinh mà nó đã được phản ánh, tồn tại từ lâu mà không được các ngành chức năng giải quyết đến nơi, đến chốn. Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải xử lý giải quyết dứt điểm”- đại biểu Thanh Hải nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu vấn đề, cách đây 1 năm, Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu. Năm qua công tác xử lý nợ xấu đã được triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực, nợ xấu đã giảm dần và đi vào quỹ đạo kiểm soát được. Tuy nhiên, những xung đột trong các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và một số quy định trong Nghị quyết này đang là rào cản. Đề nghị Quốc hội quan tâm chấn chỉnh kịp thời.
Đại biểu cũng đề cập, thời gian dành cho ngành thuỷ sản để thực hiện các yêu cầu minh bạch ngư trường, đánh bắt đã gần hết hạn, nếu điều này không được tháo gỡ kịp thời, đồng thời xây dựng một tập quán đánh bắt hải sản phù hợp với các thông lệ quốc tế, thì ngành thuỷ sản sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn. Vì vậy, cần phải xử lý tốt các vấn đề nội tại, đồng thời phải chủ động hợp tác với EU sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của ngành thuỷ sản nước nhà.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, cử tri rất quan tâm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa liệu một số doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hay không? Và tiến độ xử lý một số công trình chậm tiến độ, yếu kém đến đâu rồi?
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho ý kiến, theo báo cáo của Chính phủ thì các chỉ số về kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2017, điều này củng cố niềm tin dự báo kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và nhiều khả năng vượt mục tiêu GDP 6,7%. Tuy nhiên, đại biểu cũng cảnh báo nhiều rủi ro cho nền kinh tế như: nông nghiệp không còn giữ được mức tốc độ tăng trưởng cao như 2 quý đầu năm; cần tiếp tục có sự thay đổi nhanh hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp để kéo đà tăng trưởng của ngành; thêm nữa, du lịch đang đối diện với nhiều thách thức từ sự giảm tốc của lượng khách du lịch quốc tế, song xa hơn đó là sự tác động của chiến tranh thương mại… Đây không chỉ là rủi ro của năm 2018 mà cả những năm tiếp theo.
Dự án nào kém hiệu quả cho phá sản ngay
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến tre) cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chưa đảm bảo công bằng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là thiếu nguồn lực và nhiều rào cản, thủ tục.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan ngại trước thực tiễn cổ phần hoá còn chậm, năm 2018 mới chỉ thoái vốn 10/85 doanh nghiệp trong kế hoạch; đặc biệt 12 đại dự án nghìn tỷ đã có ban chỉ đạo rồi nhưng hiện giờ vẫn dậm chân tại chỗ. Đại biểu dẫn chứng: “Tôi trực tiếp đi khảo sát Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đang khởi động, nhưng vẫn cần phải có giải pháp quyết liệt. Bởi vì, vấn đề là chỗ đặt nhà máy, nguyên liệu cung cấp cho nhà máy ở miền Nam, nơi sử dụng sản phẩm cũng là miền Nam, nên rất tốn kém công vận chuyển. Nếu tính khấu hao cao nhất thì mỗi năm mất 550 tỷ đồng, còn bình thường là 330 tỷ đồng.
“Vậy làm thế nào để ra tiền, trong khi nợ thì chồng chất? Có cần thiết giữ lại hay không” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề, đồng thời đề nghị, nếu dự án nào mà kém hiệu quả cho phá sản ngay. Còn dự án nào hiệu quả, thoái hoá vốn được, bán được, cho thuê được thì cần phải làm ngay, tránh gây thất thoát vốn cho nhà nước.
Đại biểu cũng cảnh báo có hiện tượng cài cắm một số nhân sự cốt cán vào doanh nghiệp để thôn tính, có khả năng tạo ra một số “Vũ nhôm” khác. Đề nghị cần báo cáo và xem xét cụ thể, hoàn thiện về thể chế, bịt các lỗ hổng, đặc biệt lỗ hổng cổ phần hoá để tránh thất thoát tiền của Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm toán. Nếu không cho kiểm toán vào để kiểm toán toàn bộ quá trình thu thuế, thu phí, lệ phí thì sẽ thất thoát rất nhiều tài sản.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về tái cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã rất tích cực thực hiện, có những đề án và nhiệm vụ lớn. Trong 2 lĩnh vực công thương đã duy trì được tăng trưởng. Cơ cấu của công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Năm 2016 tăng 11,9%, năm 2017 là 14,4%, 9 tháng đầu năm 2018 là 13%, cơ cấu trong hàng xuất khẩu đã tăng lên trên 80% vào 9 tháng đầu năm. Ngoài điện thoại thông minh, chế biến thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện ôtô cũng tăng trưởng.
Tăng trưởng của công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng thương mại. Dệt may đứng thứ 7, thủy sản đứng thứ 4, điện thoại thông minh đứng thứ 12, đồ gỗ đứng thứ 5, chúng ta đang đứng thứ 27 trong số những nước xuất khẩu nhiều nhất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu. Năm 2017-2018 cũng chứng kiến sự tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng 17%, năm ngoái là 11%, trong khi năm 2018, khối FDI chỉ tăng 15%. Điều này cho thấy đó là sự chuyển dịch tích cực.
Giải trình về tái cơ cấu 12 đại dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo và có lộ trình xử lý. Mục tiêu 2018 và 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện, xử lý các vấn đề tồn tại và sẽ xử lý dứt điểm vào năm 2020. Việc xử lý phải được thực hiện theo nguyên tắc, đó là trong khuôn khổ của luật pháp; đảm bảo nguyên tắc của thị trường, không có chuyện cấp thêm vốn, ngân sách từ nhà nước; đảm bảo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp; đảm bảo phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.
Với sự nỗ lực quyết liệt giải quyết, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về tiến độ cơ bản đảm bảo và đã đạt được những yếu tố tích cực. 6 dự án nhà máy dừng kinh doanh vì hoạt động không có hiệu quả và nợ, thì đến nay đã có 2 nhà máy làm ăn có hiệu quả, tức là không có lỗ nữa và đã có lãi. Các dự án khác cũng đang hoạt động và từng bước giảm lỗ.
Thu chi ngân sách, nợ công cần có sự cẩn trọng và cân nhắc kĩ
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) đánh giá, trong khi lạc quan về tăng trưởng, Chính phủ có vẻ dường như thiếu tự tin với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đưa ra 3 nhận xét trên lĩnh vực kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết: thứ nhất, chúng ta đã triển khai rất kiên định chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ đã thực hiện chương trình này cho cả nhiệm kì.
Hai là, Chính phủ đã ghi thêm những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc kí kết, hoàn tất đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
Ba là, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế của nước ta thì niềm tin vào những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. Đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỉ qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp thì đó thực sự là những kì tích.
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, mặc dù giai đoạn 2016-2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan với mức tăng trưởng trung bình ước tính khoảng 6,57%. Nhưng việc đạt được mức độ tăng trưởng trung bình 6,5-7% cho cả giai đoạn 2016-2020, theo đại biểu vẫn là thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là động lực chính của tăng trưởng. Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ cho giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi.
Trong bối cảnh đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, xu hướng về xuất khẩu và đầu tư cho 3 năm tới sẽ khó khả thi và thuận lợi đối với nền kinh tế của chúng ta. Do vậy, đại biểu đề nghị, việc xác định các mục tiêu khác, việc thu chi ngân sách, nợ công rất cần có sự cẩn trọng và cân nhắc kĩ, không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%./.
Mỹ Anh