Xã hội hóa giáo dục phải dựa vào các nguồn lực đa dạng của xã hội
Một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là chính sách xã hội hóa giáo dục. TS. Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng, mặc dù chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, và sự tham gia của khu vực tư nhân đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục, vẫn đang có những điểm bất cập đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc để có những chính sách phù hợp.
Cho tới nay, các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa nói chung nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ chính sách xã hội hóa giáo dục. Các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT còn chung chung, không cụ thể.
Một buổi học STEM của học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: TL
TS. Phạm Thị Ly cho rằng, cần phải xác định lại quan điểm, hiểu đúng về xã hội hóa. Xã hội hóa không phải chỉ dựa vào học phí, xã hội hóa phải dựa vào các nguồn lực đa dạng của xã hội, không chỉ dựa vào người học. Điều này, theo TS Phạm Thị Ly, đã thể hiện tương đối rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đơn cử, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nêu ra nhiều điểm cụ thể để hỗ trợ cho khu vực giáo dục tư, chẳng hạn như Điều 96 quy định “các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân cho giáo dục được trừ vào thu nhập chịu thuế, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ giáo dục, ủng hộ tiền hay hiện vật thì được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp”.
Ngoài ra, các đầu tư và đóng góp cho giáo dục, cũng như chi phí của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân viên cũng được tính là chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Cần điều chỉnh các luật liên quan và ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện cẩn thiết để đẩy mạnh kênh đóng góp này.
Không nên đưa triết lý giáo dục vào Luật
Nêu quan điểm về triết lý giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ “Học để làm người” là triết lý giáo dục bởi 3 lí do: Một là, các thế hệ con người Việt Nam trước đây đã quan niệm đúng đắn rằng, dù giàu hay nghèo, trong cuộc sống ít nhiều cũng phải có cái chữ, nghĩa là phải học, có học mới nên khôn.
Hai là, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, học để thành cán bộ tốt, công dân tốt, chiến sĩ tốt, tức là thành người ở những cương vị hoạt động khác nhau.
Ba là, trong trào lưu xây dựng xã hội học tập, UNESCO đã khuyến cáo học tập suốt đời xoay quanh 4 trụ cột giáo dục: Học để biết, học để làm người, học để chung sống và học để tự khẳng định mình.
Nếu gắn vấn đề học để làm người với vấn đề học tập suốt đời, theo GS. Phạm Tất Dong, triết lý học để làm người có thể được phát biểu theo mệnh đề học suốt đời để làm người, hoặc nói khái quát hơn thì sẽ là học suốt đời vì sự phát triển bền vững.
Nêu quan điểm về việc có nên hay không đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục (sửa đổi), GS.Phạm Tất Dong cho rằng, điều đó không nên và không đúng. Vì triết lý giáo dục là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh giáo dục chứ không nên đưa vào Luật Giáo dục.
Luật Giáo dục không chỉ là trường, thầy mà còn là môi trường, sinh thái giáo dục
Đó là ý kiến của ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Theo ông, hiện nay khi sửa Luật Giáo dục, chúng ta vẫn đang bàn đến giáo dục học đường, mà giáo dục học đường chỉ là một bộ phận chứ không phải tổng thể của giáo dục. Giáo dục còn có gia đình, cộng đồng. Vì vậy, khi nói tới xã hội hóa giáo dục là đòi hỏi toàn xã hội tham gia vào giáo dục, chứ không phải do một số người không hiểu hết mà biến báo xã hội hóa thành chuyện “tiền”.
“Tôi rất muốn Luật Giáo dục đi vào thực tiễn đời sống hôm nay. Ví dụ nói về sách giáo khoa, tại sao đối với những ngành kỹ thuật, công nghệ chúng ta lại không đặt ra việc cho phép được sử dụng sách giáo khoa của nước ngoài. Trên thực tế Luật trong 10 năm, 15 năm sẽ phải thay đổi nên những gì phù hợp trong giai đoạn này - một giai đoạn chuyển đổi rất lớn - chúng ta phải đưa vào" - ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Đề cập đến cuộc cách mạng 4.0 đang được nhắc đến nhiều hiện nay, ông Dương Trung Quốc lưu ý, trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần đề cập rõ ràng hơn nữa về vấn đề công nghệ. Bởi việc học hiện nay đã vượt ra khỏi không gian của nhà trường. Chính vì thế, cần có khung pháp lý, cơ chế để tạo điều kiện cho không gian công nghệ trong giáo dục được phát triển./.
Mỹ Anh