Cần giải quyết những bất cập trong việc sáp nhập thôn, bản vùng cao 

(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh Yên Bái, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số thôn, bản và xây dựng đề án về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện các Nghị quyết này.

 

Bí thư Huyện ủy Văn Yên Trần Huy Tuấn chỉ đạo triển khai
các kế hoạch về sáp nhập thôn, bản trên địa bàn huyện. (Ảnh: HH)

Chính quyền quyết tâm, lòng dân đồng thuận

Thời gian này, việc sắp xếp thôn, tổ dân phố đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Văn Yên từ trung tâm huyện lỵ đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Tại thôn 13 và 14, xã Lâm Giang, ngay từ khi họp thôn bàn về phương án sáp nhập hai thôn, người dân đã rất hào hứng tham gia phát biểu ý kiến. Ông Đỗ Trung Kiên, thôn 13 kể lại, ai cũng cảm thấy rất phấn khởi vì khi sáp nhập 2 thôn làm một thì nhiều việc thực hiện sẽ thuận lợi và có hiệu quả hơn. Ví như việc chăn thả gia súc trước đây không thống nhất một thời điểm nên dẫn đến vẫn có tình trạng gia súc của thôn này phá hoại hoa màu của thôn khác; rồi đến việc gieo cấy các cây hoa màu mỗi thôn một thời điểm nên hay bị sâu, bệnh phá hoại mùa màng, giờ sáp nhập nhập thành một có sự thống nhất cùng một khung lịch chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Đồng chí Phạm Thị Hoàn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 14 cho rằng, sáp nhập thôn sẽ giúp cho việc tổ chức thực hiện hương ước thôn, bản được hiệu quả hơn, rồi việc nắm bắt tình trạng học sinh đi học thất thường cũng sẽ kịp thời hơn. Đặc biệt, việc huy động đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi cũng sẽ thuận lợi, tập trung hơn, không manh mún, nhỏ lẻ như trước nữa. Trước đây, mỗi lần huy động bà con đi mở đường hoặc sửa chữa các công trình thủy lợi, chỉ lẻ tẻ một vài người, nhìn cũng không thấy khí thế, rồi đến các công trình đầu tư của Nhà nước khi sáp nhập rồi chắc cũng tập trung hơn và nhiều lợi ích khác nữa.

Để chuẩn bị cho quá trình sáp nhập hai thôn, chính quyền xã Lâm Giang đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền và họp bàn  với nhân dân các thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhận thức rõ được lợi ích của việc sắp xếp lại thôn, do vậy, việc triển khai phương án sáp nhập 2 thôn 13 và 14 đã cơ bản nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Bà Lê Thị Sự, thôn 14 vui mừng chia sẻ: “Tôi thấy sáp nhập thôn mình chả mất gì, nhà cửa vẫn thế, càng đông, càng vui, giảm số lượng cán bộ, giảm chi tiêu từ tiền của nhân dân là chúng tôi rất vui. Bây giờ phương tiện thuận lợi, có xe máy rồi nên chúng tôi không lo đường xa”.

Đồng chí Vương Toàn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang cho biết, hiện tại, Lâm Giang có 18 thôn, phương án sắp xếp lại còn 12 thôn. Hiện nay, xã đã thực hiện xong toàn bộ quy trình sắp xếp, sáp nhập theo đúng hướng dẫn của tỉnh và hoàn thiện hồ sơ nộp về huyện. Quá trình tổ chức các cuộc họp dân - chính - đảng ở Lâm Giang đều cho kết quả tốt, được nhân dân đồng tình và ủng hộ cao. Phương án bố trí cán bộ ở cơ sở sau khi sắp xếp lại là kiêm nhiệm, đồng chí bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận và đồng chí phó bí thư kiêm trưởng thôn; riêng đối với các thôn đặc thù dưới 200 hộ thì bố trí bí thư kiêm trưởng thôn.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên cho biết: "Khi có hướng dẫn của tỉnh, huyện Văn Yên đã triển khai ngay cho xã Lâm Giang thực hiện thí điểm. Việc rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sáp nhập, kiện toàn thôn, bản, tổ dân phố được thực hiện đảm bảo theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở”.

Cùng với đó, huyện Văn Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ được những lợi ích của sáp nhập thôn, bản là để góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể.

Chính vì vậy, đến nay, kết quả tổng hợp các phương án, dự kiến sắp xếp thôn, tổ dân phố của huyện từ 312 thôn, tổ dân phố xuống còn 167 thôn, tổ dân phố (giảm 145 thôn, tổ dân phố). Qua báo cáo, cơ bản các phương án đều bảo đảm tiêu chí về số hộ, tuy nhiên cũng còn một số thôn phải chấp nhận phương án có thôn dưới 200 hộ, thậm chí dưới 100 hộ do đặc thù về diện tích, địa hình.

Thực tế còn nhiều khó khăn

Tìm hiểu thực tế tại các địa phương cho thấy, chính quyền rất quyết tâm và lòng dân rất đồng thuận để thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản. Tuy nhiên, theo Điều 7 của Thông tư số 09 ngày 19/12/2017 của Bộ Nội vụ Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới quy định ở vùng miền núi thôn phải có từ 200 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố phải có từ 300 hộ gia đình trở lên. Khó khăn cũng chính từ yêu cầu này.

Huyện Trạm Tấu hiện có 69 thôn, tổ dân phố gồm có 64 thôn và 5 tổ dân phố; trong số này, có 62 thôn dưới 200 hộ, 5 tổ dân phố có số hộ dưới 300 hộ. Theo đồng chí Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, đối chiếu với các quy định của Bộ Nội vụ thì huyện Trạm Tấu chỉ có một xã bảo đảm đủ tiêu chí, các xã còn lại không xã nào bảo đảm đủ theo tiêu chí. Xã được tiêu chí này lại mất tiêu chí kia. Trong 69 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, chưa có thôn, bản nào bảo đảm đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với quan điểm nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Trạm Tấu đã chủ động tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn huyện về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp lại thôn, tổ dân phố; đồng thời, xây dựng phương án thực hiện của huyện.

Qua rà soát thực tế, đối chiếu với các quy định của Bộ Nội vụ, việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố ở huyện Trạm Tấu gặp nhiều trở ngại trong đó địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác là những khó khăn chủ yếu. Tại Bản Công – một xã cách trung tâm huyện không xa nhưng việc sáp nhập thôn lại rất khó thực hiện. Xã có 5 thôn thì mỗi thôn ở một khu riêng biệt. Các thôn liền kề cũng cách nhau vài cây số, xa nhất cũng cách nhau đến 10 cây số như: thôn Tà Chử phải đi qua thôn Lừu I, Lừu II của xã Hát Lừu mới đến thôn này.

Mặt khác, tuy số hộ ở mỗi thôn của xã không nhiều nhưng diện tích đất tự nhiên lại khá rộng như thôn Bản Công chỉ có 121 hộ dân nhưng diện tích đất tự nhiên lại lên tới 4.408,6 ha hay thấp nhất là thôn Tà Chử cũng có diện tích đất tự nhiên lên đến hơn 800 ha. Các thôn khác dao động từ hơn 1.000 đến hơn 2.000 ha, rất khó để quản lý nếu như sáp nhập. Do vậy, xã Bản Công đề nghị được giữ nguyên hiện trạng các thôn trên địa bàn xã.

Đồng chí Tráng A Hồ, Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết, trên cơ sở rà soát, đối chiếu với tiêu chí quy định phải bảo đảm 200 hộ trở lên, xã không có thôn nào bảo đảm được quy định, các thôn, bản chia cắt, mỗi thôn có nhiều chòm dân cư và các chòm không tập trung nên rất khó quản lý nếu như sáp nhập. Như vậy, trong đợt này, huyện Trạm Tấu có 10 xã, thị trấn xây dựng được phương án sáp nhập thôn, tổ dân phố; trong đó, xã nhiều nhất giảm được 2 thôn; thị trấn Trạm Tấu giảm được 2 khu phố.

Từ những khó khăn trên, huyện Trạm Tấu đã xây dựng phương án sắp xếp thôn, tổ dân phố trên nguyên tắc phù hợp với thực trạng, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi địa phương bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt sản xuất của nhân dân, không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới...

Theo đó, từ 69 thôn, tổ dân phố, huyện đề nghị sắp xếp thành 57 thôn, tổ dân phố, giảm 2 tổ dân phố và 10 thôn. Với phương án này, huyện có 4 thôn đủ điều kiện 200 hộ, 50 thôn dưới 200 hộ và 3 tổ dân phố có số hộ dưới 300 hộ. Các thôn bản đề nghị được giữ nguyên với lý do chủ yếu là điều kiện địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rộng, các hộ dân phân bố rải rác, khó khăn trong công tác quản lý... Đến nay, huyện Trạm Tấu đã xây dựng xong phương án sắp xếp cụ thể ở từng xã và lập tờ trình đề nghị tỉnh phê duyệt.

Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang trao đổi với phóng viên. (Ảnh: HH)

Đối với các xã tại huyện Văn Yên, quá trình sáp nhập thôn, bản ở các xã vùng cao cũng gặp những khó khăn tương tự. Nhiều thôn có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, nhiều thôn, bản dưới 100 hộ dân cần phải sáp nhập. Cụ thể như Viễn Sơn là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, có diện tích hơn 4.500 ha, toàn xã có 11 thôn, bản, sau khi sáp nhập dự kiến chỉ còn 6 thôn.

Đồng chí Bàn Kim Vi, Trưởng thôn Khe Lợ cho biết, chủ trương sáp nhập thôn, bản đã được tuyên truyền đến từng hộ dân, đa phần nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, khó khăn nhất là sau khi sáp nhập là khoảng cách về địa lý giữa các hộ trong thôn là rất lớn, từ đầu thôn đến cuối thôn cách xa tới 6km, mỗi lần báo dân đi họp sẽ rất vất vả.

Theo đồng chí Trần Ngọc Trác, Bí thư Đảng ủy xã Viễn Sơn thì sau khi sáp nhập, quy mô tổ chức Đảng và dân số tăng nhưng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước đây là không hợp lý. Các cấp có thẩm quyền nên phân loại thôn, bản theo quy mô dân số để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp.

Bên cạnh đó, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, rất cần có cơ chế để phát huy hiệu quả cơ sở vật chất của các thôn trước khi sáp nhập.

Cùng quan điểm này, đồng chí Vương Toàn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang cho biết, sau khi nhập thôn, vấn đề hiện hữu là nhà văn hóa của vài chục người khác với nhà văn hóa của vài trăm người cho nên việc tìm được địa điểm đặt nhà văn hóa thôn chỗ nào cũng là vấn đề lớn. Trong khi đó, đất bây giờ thì đã có chủ hết nên muốn xây dựng Nhà văn hóa phải đi mua đất mới cũng là một khoản đầu tư và đóng góp lớn.

Đồng chí Vương Toàn Sơn kiến nghị, với những thôn xa trung tâm xã nên cho đấu giá đất và nhà văn hóa cũ để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới, đáp ứng quy mô dân số sau sáp nhập. Đồng thời, cần phải linh hoạt, uyển chuyển trong việc bố trí các chức danh cán bộ ở cấp thôn để hạn chế tăng số lượng cán bộ. Đặc biệt cần đảm bảo chế độ, chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách thôi tham gia công tác sau khi sáp nhập.

Việc bổ sung điều chỉnh hương ước, quy ước các thôn sau sáp nhập cũng hết sức cần thiết vì trước đó các thôn cũ đều có quy ước, hương ước riêng, sau sáp nhập cần phải có quy ước, hương ước mới cho phù hợp.

Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch các thủ tục hành chính, đề nghị các ngành chức năng có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư các thôn mới thành lập trong việc làm hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục hành chính.

Việc sáp nhập, kiện toàn thôn, bản, tổ dân phố sẽ tiếp tục được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh. Vì vậy, khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đòi hỏi các cấp, các ngành sớm vào cuộc để chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của tỉnh thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.

Sắp xếp lại quy mô khu dân cư là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn một số trăn trở về mặt tổ chức cán bộ và hoạt động của chính quyền đối với những thôn bản vùng cao, vùng sâu có địa bàn quá rộng cần được giải quyết kịp thời để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển./.

Hoa Hiền

399 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 989
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 989
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87131128