|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP. |
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết năm 2021 là năm đặc biệt với nhiều sự kiện lớn của đất nước nhưng cũng là năm đất nước phải đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19. Do vậy, cần đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam, các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19; qua đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị những điều kiện cơ bản và các kịch bản phục hồi, phát triển KT-XH trong năm 2022.
Báo cáo về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết năm 2021, có 8 kết quả nổi bật trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội.
Đó là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” linh hoạt trong bối cảnh mới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững; công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luât tiếp tục được xác định là mục tiêu trọng tâm; các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19…
Về hạn chế, khó khăn trong năm 2021 là tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt được mục tiêu đề ra (như tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 3,5-4%...).
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 sẽ tập trung vào mục tiêu phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm nguồn vaccine, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế… để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng; chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực; phát triển kinh tế số, xã hội số…
Dự kiến năm 2022, có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%...
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân và an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…
Thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế với giải pháp phù hợp
Các đại biểu cho rằng trong năm 2021, do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tuy có những chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra nhưng những nỗ lực, cố gắng và hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Bức tranh tổng thể về kinh tế, xã hội vẫn còn những điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô, các sự kiện lớn của đất nước diễn ra thành công tốt đẹp;...
Với kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, một số đại biểu cho rằng trước mắt tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch COVID-19; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; bám sát tình hình để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp phù hợp cũng như khả năng thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài. Trong đó cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… Bên cạnh đó, thực hiện tốt bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng dù tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều tác động nhưng vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Thời gian tới cần quan tâm đến chính sách tài khóa, tiền tệ, bởi lĩnh vực này ảnh hưởng đến cung ứng nguồn lực về tài chính cho đất nước, doanh nghiệp, địa phương.
Lưu ý đến vấn đề đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ lý do giải ngân đầu tư công còn chậm cũng như nguyên nhân vốn đầu tư nước ngoài hiện nay rất thấp để có giải pháp khắc phục hiệu quả./.
Lê Sơn