Cần giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân 

(ĐCSVN) - Với hành trình hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi cơ bản về chính sách hỗ trợ và diện mạo khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Khu vực KTTN từ chỗ yếu thế giờ đã và đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng gia tăng về lượng, đa dạng về loại hình tổ chức, lĩnh vực kinh doanh...
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Thực trạng kinh tế tư nhân 

Với gần 600.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% ngân sách nhà nước. 

Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số liệu được công bố bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2014 cho thấy có tới 97,6% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Số liệu cũng cho thấy đại đa số các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 

So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác, các DNNNN có quy mô nhỏ hơn rất nhiều về vốn và lao động. Năm 2010, số lao động bình quân của một doanh nghiệp nhà nước là 516 lao động, doanh nghiệp FDI là 297 lao động và DNNVN chỉ là 22 lao động. Số liệu tính tới tháng 12/2014 cho thấy bình quân DNNVN chỉ sử dụng 18 lao động, doanh nghiệp FDI là 312 lao động và doanh nghiệp nhà nước là 504 lao động. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô siêu nhỏ chiếm tới gần 70%. Xét về quy mô vốn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có quy mô rất nhỏ. Năm 2014, có khoảng 50% số DNNNN có quy vốn bình quân dưới 5 tỷ đồng và chỉ 6% có số vốn bình quân trên 50 tỷ đồng. Trong khi đó con số này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước là 5% và 66%, ở khu vực FDI là 2% và 41%. 

Ngoài, ra đối với các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, quy mô lao động của các hộ kinh doanh này cũng rất thấp. Tính bình quân chung năm 2015 có gần 1,68 lao động làm việc trong 1 cơ sở. Số vốn kinh doanh bình quân là 150,6 triệu đồng/cơ sở trong đó giá trị tài sản cố định là 90,4 triệu đồng/cơ sở và điều đó thể hiện sự hạn chế trong đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các cơ sở cá thể. 

Các con số trên cho thấy, dù có sức vươn mạnh mẽ, song quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp, sản phẩm chất lượng chưa cao, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế. 

Đâu là giải pháp đột phá trong phát triển KTTN 

Cuộc cải cách đang đòi hỏi phải đổi mới tư duy một lần nữa, khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhậy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…

Đặc biệt, theo tinh thần Hội nghị TW5 khóa XII, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đột phá trong tư duy và hành động, xoá bỏ mọi định kiến, rào cản, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách, các thủ tục hành chính rườm rà, phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi giải phóng sức sản xuất và phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, thực sự trở thành một động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường khu vực và toàn cầu phù hợp xu hướng phân công, hợp tác kinh tế quốc gia và quốc tế giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hộ và cá nhân dưới mọi hình thức doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước…nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại; phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp.

Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có ý thức chấp hành luật pháp, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng quản lý, quản trị cao; chú trọng xây dựng, nâng cao văn hoá doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân, nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch; ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", "thao túng chính sách", cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường… Đồng thời, tư duy mới về phát triển KTTN Việt Nam cũng cần nghiêm khắc với những DN cố tình chuyển giá, trốn thuế và trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, không tôn trọng quyền lợi người lao động và khách hàng, người tiêu dùng…

Quá trình xóa bỏ những nội dung kìm hãm doanh nghiệp, làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết, thích nghi nhanh chóng với các biến động thị trường và bối cảnh chung trong nước và quốc tế, có tính khả thi cao trong thực tiễn, lấy sự phát triển nhanh KTTN và hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những cơ chế, chính sách được lựa chọn để hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả... Tất cả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực KTTN trong toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới.../.

An Nguyên
532 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 716
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 716
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88333961