Cần giải pháp đồng bộ để nâng chất lượng tăng trưởng 

(Chinhphu.vn) - Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức khá cao, nhưng vẫn còn thiếu tính bền vững, nền tảng chưa chắc chắn. Trong chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam cần có giải pháp cấp bách hiệu quả để giải quyết nút thắt tăng trưởng kinh tế.

 

Đây là nội dung được trao đổi tại buổi Tọa đàm “Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021-2030: Định hướng ưu tiên chính sách” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 7/6 tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi toạ đàm.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Bài toán khó về tăng trưởng
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau. Mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi. 
WB đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hợp tác và hỗ trợ, cho phép chuyên gia của Ngân hàng Thế giới được tham gia vào quá trình xây dựng Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. 
Một thách thức là Việt Nam đang phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới. 
Làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao nhưng có chất lượng? Làm thế nào để Việt Nam có thể hiện đại hóa các thể chế thị trường trong nước để tạo ra một môi trường kinh doanh, nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển? Lực lượng lao động Việt Nam cần những kỹ năng gì để có thể cạnh tranh, không chỉ trong sản xuất cơ bản mà còn tiến lên trên chuỗi giá trị, bắt kịp với các công nghệ thay đổi nhanh chóng, đồng thời không để lại các nhóm người bị tụt lại phía sau? Làm thế nào để Việt Nam có thể đảm bảo sự tăng trưởng của đất nước mà không gây hại cho môi trường…
“Đây là những bài toán cần tìm ra giải pháp chính sách cho những câu hỏi này không hề dễ dàng và thực hiện chúng có lẽ còn khó hơn. Nhưng với tư duy đúng đắn, cùng sự quyết tâm và phối hợp mạnh mẽ giữa các ngành, các cấp, tôi tin chắc Việt Nam có thể làm được”, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB phát biểu. 
Khuyến nghị tạo nền tảng bền vững
Đại diện phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực, đầu mối giúp Chính phủ và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược và Kế hoạch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng Đề cương chi tiết, trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và thông qua tại Hội nghị lần thứ 10 vào tháng 5 vừa qua. 
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm qua các giai đoạn. Việc WB và các đối tác đề xuất hợp tác và hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm là rất quan trọng. 
Theo đánh giá ban đầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện có thể coi là khá, chất lượng được nâng lên phần nào. Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. 
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng... 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang cần các đối tác trao đổi đóng góp về nhiều nội dung. 
Trong đó, thứ nhất, nhận diện và dự báo những xu thế thời đại lớn sẽ tác động trực tiếp và tạo ra những vấn đề mới nổi trong phát triển của Việt Nam.
Thứ hai, xác định và đánh giá đúng những nút thắt phát triển của Việt Nam trong 5 năm vừa qua. Nguyên nhân cơ bản nào đã tạo ra những nút thắt phát triển đó? Khuyến nghị những giải pháp, chính sách để giải phóng động lực tăng trưởng trong thời gian tới. 
Thứ ba, Việt Nam cần những khuyến nghị về định hướng ưu tiên chính sách có tính đột phá trong thời gian tới, cụ thể về: Nguồn lực con người, kết cấu hạ tầng, nguồn lực thiên nhiên và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng WB cho rằng, Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam có thể mắc bẫy thu nhập trung bình nếu không hành động đủ nhanh. 
Thời gian dân số vàng của nền kinh tế chỉ còn khoảng 22 năm, theo ông Sebastian Eckardt, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang bị giảm và sẽ giảm tiếp nếu không có cải cách sâu rộng.
Việt Nam cũng gặp các vấn đề như thiếu vốn, năng suất tổng thể tăng chậm... Để thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng, chuyên gia của WB đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả trung gian tài chính, cải thiện khung pháp lý, khả năng giám sát, xử lý nợ, giám sát chặt việc vốn tín dụng đổ vào bất động sản, tiêu dùng...
Bên cạnh đó, không nên quá phụ thuộc vào ngân hàng, Việt Nam cũng cần phát triển chiều sâu thị trường vốn để tạo thêm nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp.
Việt Nam cần giải quyết các cản trở đối với khu vực sản xuất, qua việc nâng cao chất lượng cải cách DNNN thông qua cổ phần hoá, cạnh tranh công bằng. Quan trọng là phải thực thi các thị trường cạnh tranh và hoàn thiện thị trường đất đai.
“Việt Nam cần được giải quyết như khung pháp quy, chính sách về cạnh tranh, hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp”, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị.


Anh Minh

312 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 647
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 647
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87328851