Cần giải pháp đồng bộ để DN thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu 

(Chinhphu.vn) – Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính nhiều mặt đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Điều này đặt ra yêu cầu với DN và các cơ quan quản lý có các giải pháp đồng bộ biến thách thức thành động lực, cơ hội như: Ưu tiên phân bổ nguồn lực, phát triển những mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới hoặc công nghệ mới.

 

Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: VCCI.

 

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo công bố  Báo cáo với tiêu đề “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với DN Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 16/9 tại Hà Nội.

Báo cáo là tập hợp tiếng nói của gần 10.400 DN đang hoạt động ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, trên 8.700 DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đây có thể xem là điều tra DN có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
DN đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng là một trong những chủ thể quan trọng của nỗ lực ứng phó, thích nghi với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Báo cáo đã cho thấy, biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đó là tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Phân tích những tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho thấy, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành mà các DN chịu tác động lớn hơn cả.
Còn theo vùng, các DN ở vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Giá trị trung bình tổn thất vì thiên tai, biến đổi khi hậu đối với 1 DN là khoảng 95,2 triệu, nhưng một số DN có mức tổn thất rất lớn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều DN đã nhận thức được tính cần thiết của việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua nhiều giải pháp đa dạng từ đơn giản đến phức tạp. Một số lượng đáng kể DN đã điều chỉnh phương thức kinh doanh, nâng cấp công nghệ sản xuất và mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai. Theo báo cáo, “có 44,5% DN cho biết họ đang sử dụng một loại sản phẩm bảo hiểm nhất định để phòng ngừa rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; loại sản phẩm bảo hiểm phổ biến mà các DN hiện đang sử dụng là bảo hiểm cơ sở vật chất, máy móc và hàng hóa. Tỉ lệ DN sử dụng bảo hiểm tương quan thuận với quy mô của DN, có 86% DN đánh giá sản phẩm bảo hiểm đã mua là hữu ích”.
Lãnh đạo VCCI đánh giá, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường và ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình liên quan đến ứng phó tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.  Qua khảo sát đánh giá, đa số DN đều cho thấy đã nhận thức rõ ràng về biến đổi khí hậu cùng những thách thức kéo theo đã góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu; trong đó bao gồm cả việc sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới... Mức độ sẵn sàng đầu tư của DN để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường cũng đang ngày càng gia tăng. Có không ít DN điển hình, sẵn sàng chi tới 7,32% chi phí hoạt động cho mục tiêu thân thiện hơn với môi trường.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, hiện nay, cách hành xử với môi trường sẽ có ý nghĩa quyết định đến tương lai của chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Tất cả cần hành động để hướng tới một nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cần nâng cao chất lượng thực thi các quy định pháp luật để những chính sách liên quan đến ứng phó rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch VCCI kỳ vọng cộng đồng DN tại Việt Nam, với sự năng động và sáng tạo của mình, sẽ có tiếng nói quan trọng trong hoạt động ứng phó và thích nghi với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu.
Cộng đồng DN cần liên kết, hợp tác và nêu tiếng nói về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững.
Bản thân các DN cần bỏ tư duy “chưa đến lúc” đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cần thực hiện ngay những hành động bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất. 
Anh Minh
239 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 553
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 553
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88999195