|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Sự phát triển nhanh và mạnh
Thị trường chứng khoán (TTCK) được coi là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 đạt gần 731.349 tỷ đồng (trong đó, giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu đạt gần 95.698 tỷ đồng, qua phát hành TPDN ra công chúng đạt gần 29.766 tỷ đồng, qua phát hành TPDN riêng lẻ là 605.934 tỷ đồng); trong năm 2022, giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và TPDN ra công chúng ước đạt 116.684 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quy mô của thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, tính đến hết tháng 4/2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.416 nghìn tỷ đồng, tương đương 60,89% GDP ước tính năm 2022; thị trường có 758 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.992 nghìn tỷ đồng, tương đương 20,9% GDP ước tính năm 2022; có 449 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.834 nghìn tỷ đồng, tương đương 19,3% GDP ước tính năm 2022.
Cùng với đó, số lượng nhà đầu tư liên tục tăng đã góp phần đẩy mạnh thanh khoản thị trường. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đến cuối tháng 4/2023 là trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 7,016 triệu tài khoản, tăng trên 156% so với cuối năm 2020 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 43.465 tài khoản, tăng 24% so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, với biến động sụt giảm mạnh của TTCK, năm 2022 được đánh giá là năm khó khăn với hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi thị trường diễn biến khó lường, bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, sự thăng trầm của các chỉ số còn đi chệch với dự báo, kỳ vọng của phần lớn giới phân tích trong và ngoài nước, cũng như của chính bản thân nhà đầu tư. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác quản lý, giám sát TTCK càng được chú trọng củng cố, hoàn thiện trên các mảng hoạt động. Công tác giám sát tuân thủ đối với hoạt động của SGDCK Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công tác giám sát giao dịch trên TTCK được triển khai theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác giám sát tuân thủ nghĩa vụ công ty đại chúng (nghĩa vụ công bố thông tin, quản trị công ty, công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán) cũng được triển khai thường xuyên. Đồng thời, Bộ Tài chính (UBCKNN) chủ động tiến hành rà soát việc tuân thủ nghĩa vụ công ty đại chúng của một số công ty có giá giao dịch bất thường trên sàn. Tăng cường rà soát chặt chẽ việc phát hành của các công ty đại chúng, công ty niêm yết, đặc biệt đối với các trường hợp tăng vốn nhanh; triển khai kiểm tra hoạt động công ty đại chúng, tổ chức kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát Báo cáo tài chính năm 2022 và Báo cáo tài chính quý I/2023 của các công ty đại chúng. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, TTCK Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Có thể thấy, lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư có tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ dẫn đến giao dịch trên TTCK về cơ bản không ổn định, chủ yếu theo tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, nhận thức còn hạn chế, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần, hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, kiểm tra thanh tra còn gặp nhiều khó khăn do các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi nguồn lực giám sát, thanh kiểm tra còn bị hạn chế.
Các sản phẩm trên TTCK mặc dù đã có thêm các sản phẩm mới nhưng vẫn chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là TTCK cơ sở (cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch), các sản phẩm chứng khoán phái sinh còn hạn chế.
Đặc biệt, thị trường vẫn trong giai đoạn phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý. Trước tác động của các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát, những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới đã làm cho nhà đầu tư có tâm lí thận trọng đã tác động đến TTCK, sự đồng pha với diễn biến giảm của TTCK thế giới dẫn đến sự sụt giảm, biến động trên TTCK kể từ tháng 4/2022 cho đến những tháng đầu năm 2023.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, diễn biến tình hình trên TTCK trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới. Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và EU, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường TPDN, đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 3 lần ban hành các quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại cũng tiếp tục xu hướng giảm trong một vài tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2023. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư 03/2023/TT-NHNN của NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, là những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên TTCK trong Quý III và Quý IV/2023.
5 giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lành mạnh, bền vững
Kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng, trong năm 2023, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của TTCK, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, UBCKNN (Bộ Tài chính) đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.
Thứ hai, về hoạt động tổ chức thị trường, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, UBCKNN (Bộ Tài chính) đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường thứ cấp; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, về công tác giám sát, thanh tra trên TTCK, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, sẽ được chú trọng nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
Theo đó, UBCKNN (Bộ Tài chính) sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng, đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường. Ngoài ra, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của TTCK; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững.
Thứ tư, về công tác truyền thông, tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.
Thứ năm, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam./.