Cần giải pháp căn cơ để chống nợ đọng văn bản quy định chi tiết 

(Chinhphu.vn) - Sáng 25/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị về giải pháp khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Vẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (VĐCXDPL) Trần Đình Đức cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020, tổng số văn bản quy định chi tiết mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ phải ban hành là 453 văn bản (214 nghị định, 13 quyết định, 211 thông tư, 15 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 86 luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có 110/453 văn bản là chuyển từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (năm 2015) sang.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 432/453 văn bản (196 nghị định, 12 quyết định, 210 thông tư, 14 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 81 luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Số văn bản nợ ban hành là 21/453 văn bản (18 nghị định, 01 quyết định, 01 thông tư, 01 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 8 luật đã có hiệu lực.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ còn có nhiệm vụ phải xây dựng và ban hành 102 văn bản (56 nghị định, 45 thông tư, 01 quyết định) quy định chi tiết 17 luật chuẩn bị có hiệu lực. Qua theo dõi cho thấy, nhiệm vụ giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng giảm xuống, song số lượng văn bản chậm, nợ ban hành vẫn còn tồn tại. Hiện tại, số nợ là 21 văn bản quy định chi tiết 8 luật, thuộc nhiệm vụ xây dựng của Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ.

Qua đó, ông Đức cũng kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, như tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác lập và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); xem xét, nhắc nhở, kiểm điểm trực tiếp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ còn để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh…

Siết chặt kỷ luật trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL

Tại Hội nghị, ông Lê Hà Thắng (đại diện Bộ Công an) cho rằng còn nhiều khó khăn trong giải quyết văn bản nợ đọng. Trong công tác xây dựng văn bản, việc gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành nhận được phản hồi rất chậm, dẫn đến quá trình họp ban soạn thảo, tổ biên tập, tiếp thu ý kiến kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung của xây dựng văn bản.

Qua đó, ông Thắng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm đến việc theo dõi đôn đốc, triển khai thi hành các văn bản quy định chi tiết, các quyết định văn bản, ban hành danh mục và phân công đơn vị chủ trì quy định chi tiết, sớm ban hành để các Bộ, ngành triển khai, xây dựng. Trong quá trình xây dựng, việc gửi tham gia ý kiến phải thực hiện theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là 20 ngày; quá trình thẩm định đề nghị Bộ Tư pháp cũng đề nghị làm theo đúng tiến độ.

Ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc ban hành văn bản quy định chi tiết chậm là do cơ quan có trách nhiệm xây dựng; nội dung được giao còn khó khăn, dẫn đến chậm, nợ đọng văn bản. Điều này một phần là những người được do các cơ quan, thủ trưởng giao nhiệm vụ không có tinh thần chủ động làm việc, hoàn thành công việc.

Về phía Bộ Tư pháp, ông Đạt cũng đề nghị cân nhắc ở khâu tham mưu, khi trình Chính phủ ban hành quyết định, danh mục các văn bản quy định chi tiết thì làm sao để thắt chặt nhất, kiểm soát các đề xuất của các Bộ mà không chính xác. Ông cũng cho rằng một trong những nguyên nhân làm chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết là do nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn còn lẫn lộn giữa quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật, mà cái khó khăn và gây chậm, nợ đọng ở đây là ở biện pháp thi hành. Qua đó, ông Đạt cũng đề xuất cần quy định rõ không xây dựng văn bản lẫn lộn như vậy, tách riêng quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật là công tác quan trọng hàng đầu. Theo đó, tình hình nợ đọng, chậm văn bản quy định chi tiết do một số nguyên nhân chủ quan, như cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chủ động, chưa dành nhiều ưu tiên cho việc giải quyết các văn bản quy định chi tiết; tổ chức công việc chưa thực sự khoa học, nhiều khâu vẫn còn lúng túng; sự phối hợp giữa các ngành, ban chưa thật sự hiệu quả; năng lực xử lý công việc có mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng. Đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015; các Bộ, ngành cần chủ động giải quyết công việc, không cần chờ đến khi Thủ tướng phân công; cắt giảm một số khâu trung gian… Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành được xin ý kiến phải hoàn thành sớm; cơ quan chủ trì phải thường xuyên tổ chức họp Ban soạn thảo. Đối với Bộ Tư pháp, khi thẩm định phải chặt chẽ, hồ sơ không đủ thì trả lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo để hoàn thiện. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng yêu cầu phải tăng cường bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công nhân viên chức; thu hút chuyên gia pháp lý giỏi; đảm bảo được nguồn kinh phí; áp dụng biện pháp mạnh hơn đối với các Bộ, ngành còn nợ, chậm văn bản…

Lê Sơn

239 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1246
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1246
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87155309