Cần gia tăng hiệu quả công tác kiểm toán môi trường 

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị Chuyên đề 7 trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14), đại diện Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) đã đề nghị cần tăng các cuộc kiểm toán môi trường để kịp thời phát hiện những sai sót và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng kiểm toàn Nhà nước Hồ Đức Phớc - tân Chủ tịch Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao xhâu Á (ASOSAI) cho rằng, môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia. Suy thoái môi trường sinh thái toàn cầu tác động đến biến đổi khí hậu, dẫn đến những thảm họa thiên tai khủng khiếp, khó lường, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

 

Do đó, tân Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc cho rằng, các quốc gia phải chung sức trong vấn đề bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững.

 

Ở Việt Nam, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn gắn kết trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các chính sách, chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đều thể hiện rõ quan điểm gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Ông Hồ Đức Phớc cho biết, tại Hội nghị về môi trường trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân”.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với vấn đề môi trường, KTNN đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán về các vấn đề môi trường. Từ năm 2010 cho đến nay, hằng năm, KTNN đều thực hiện trung bình 5 cuộc kiểm toán về môi trường với chủ đề đa dạng từ quản lý rừng, đất đai, nước sạch đến quản lý chất thải, khai thác khoáng sản và gần đây nhất là chuyển hóa carbon thấp.

 
 

“Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn gắn kết trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đều gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường”, tân Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc khẳng định.

 
 

Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tóm tắt Báo cáo Quốc gia “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

 
 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho rằng, những cuộc kiểm toán môi trường do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện trong suốt thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng giúp nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

 
 

Tuy vậy, lãnh đạo KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm toán môi trường ở Việt Nam như: Nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao.

 

Hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật.

 
 

Thực tế, kiểm toán môi trường ở Việt Nam vẫn là một lĩnh vực mới, thiếu nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm, việc chưa có công cụ hướng dẫn kiểm toán cụ thể cũng là một trong những khó khăn mà các kiểm toán viên gặp phải khi thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường.

 
 

Hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu hướng dẫn về kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng dựa trên hướng dẫn của INTOSAI, ASOSAI về kiểm toán môi trường, trong đó có nhiều nội dung không phù hợp với thông lệ và hệ thống các văn bản quy phạm, pháp luật của Việt Nam, gây khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai và thực hiện các cuộc kiểm toán.

 
 

Từ đó, đại diện Kiểm toàn Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp kiểm toán môi trường như: Xây dựng kế hoạch chiến lược về kiểm toán môi trường chú trọng đến các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng các cuộc kiểm toán môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.

 

Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chọn chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” để bám sát những vấn đề ưu tiên và thách thức mang tầm khu vực và thế giới mà các thành viên ASOSAI quan tâm; đồng thời phù hợp với mục tiêu chiến lược của INTOSAI giai đoạn 2017-2022”.

 

Để đạt được mục tiêu quan trọng của Hội nghị về đẩy mạnh kiểm toán môi trường, các cơ quan kiểm toán thành viên ASOSAI (các SAI) cần thiết lập mạng lưới và phương pháp luận liên quan đối với PTBV, từ đó đưa ra các giải pháp, phương pháp kiểm toán sát thực nhất để từ đó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi SAI mà có cách tiến hành kiểm toán phù hợp nhất.

 

“Với vai trò là nước chủ nhà, tôi hy vọng rằng sau Hội nghị này, các SAI cần tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, trợ giúp học hỏi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững nói riêng”, ông Hồ Đức Phớc bày tỏ.

 

Anh Minh

473 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2200
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 2201
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 75969590