Cần đổi mới Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã 

(Chinhphu.vn) – Sau một thời gian hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã… Đồng thời, chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các quỹ.

 

Hiện nay chưa đến 20% hợp tác xã có khả năng tự lực vốn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi  mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhưng vốn hoạt động của các quỹ vẫn còn khá khiêm tốn, với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng. Chính vì vậy, nguồn vốn này chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã, thành viên và người lao động.

Bên cạnh đó, còn khoảng 25% tỉnh, thành phố (16/63) chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; các quỹ đang hoạt động chủ yếu là quy mô nhỏ với gần 50% số quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ 1-2 tỷ đồng...

Nguồn vốn hoạt động của các quỹ đa phần từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường; cơ chế hoạt động nghiệp vụ và mô hình tổ chức bộ máy của các quỹ thiếu thống nhất; tuy cùng trực thuộc hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhưng giữa các quỹ chưa có sự hợp tác, liên kết thống nhất theo hệ thống dọc.

Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình chia sẻ, khó khăn lớn nhất là nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã rất lớn nhưng vốn điều lệ quỹ còn thấp. Mặt khác, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ngoài vốn ngân sách cấp thì chưa huy động các nguồn vốn khác để bổ sung nguồn cho các hợp tác xã vay.

Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, hiện nay chưa đến 20% hợp tác xã có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng vô cùng hạn chế. Do không có tài sản đảm bảo, chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều.

Nguyên nhân là do các hợp tác xã không có tài sản để thế chấp, cầm cố vay vốn. Mặt khác, một số hợp tác xã có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không đảm bảo tính pháp lý.

Xuất phát từ việc thiếu tài sản đảm bảo, nhiều hợp tác xã cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã hoặc thuê dịch vụ.

Để đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ phát triển hợp tác xã, giới phân tích cho rằng cần đa dạng hóa các loại hình hoạt động của các định chế tài chính, tín dụng hỗ trợ hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đối với các hoạt động quỹ từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, đa dạng hóa nguồn vốn của các quỹ; nghiên cứu lồng ghép chức năng nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách có tính chất tương đồng về đối tượng hỗ trợ để tập trung nguồn tài chính, con người và cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, định hướng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là phát triển các quỹ để các hợp tác xã có thể tự tiếp cận các nguồn vốn, từ tín dụng cho tới ngoài xã hội. Một trong các biện pháp là xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị.

Để giải được bài toán về vốn, trước hết, các hợp tác xã phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, những khó khăn về vốn sẽ được hóa giải.

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tư vấn và hỗ trợ đến 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu, bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Đỗ Hương

444 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 720
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 720
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76793474