Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội thảo “Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu” do Cục Bảo trợ xã hội; Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức ngày 13/9 tại Hải Dương.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: Đ.H)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Để thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW với mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Mới đây nhất, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đang được Cộng đồng ASEAN quan tâm, mong muốn thúc đẩy trong các thành tố quan trọng của ASEAN về thúc đẩy khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hành động tích cực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, hoạt động công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội cũng đang tích cực hỗ trợ người dân ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp với các cơ quan báo chí. Xác định việc thông tin đi trước, sự tham gia của cơ quan báo chí là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân chủ động, tích cực ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân sống chung với lũ, phản ứng nhanh với bão, sạt lở, lũ lụt, mưa lớn...
Đánh giá về hoạt động truyền thông công tác xã hội và biến đổi khí hậu, theo TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về công tác xã hội và biến đổi khí hậu. Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền, phổ biến về chương trình hành động, kết quả hoạt động về phát triển công tác xã hội; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguy cơ và thách thức đặt ra. Tuy nhiên, công tác truyền thông về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều tồn tại. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội với các cơ quan báo chí cũng còn có những hạn chế nhất định. Số lượng, chất lượng và tính chất các sản phẩm truyền thông còn hạn chế, làm cho một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Chưa có nhiều tác phẩm báo chí đề cập một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Do vậy, các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền nhằm tăng cường sự tác động nhiều chiều đến sự phát triển nghề công tác xã hội; tổ chức hoạt động tuyên truyền sao cho mọi người đều biết, hiểu, tin tưởng sử dụng loại hình dịch vụ công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần phối hợp liên kết truyền thông về công tác xã hội với thông tin, truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, văn hoá,… Thường xuyên tập huấn, đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể nâng cao chất lượng các sản phẩm tuyên truyền về lĩnh vực công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác…
Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan truyền thông về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; nêu ra những thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay; tác động của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp phát triển công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề cần lưu lý cần thiết với các cơ quan truyền thông trong lĩnh vực này. Đồng thời, tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng đã chia sẻ, cung cấp thông tin cho các nhà báo về các vấn đề cấp thiết trong công tác xã hội nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu theo kịp với yêu cầu và nhiệm vụ mới của Đảng, Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần đưa các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đến với người dân, giúp người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc sống.
Năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền trong cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng..., gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm gần 300 người chết và mất tích. Năm 2019, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018
Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã đưa ra con số: Khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên; 10,8 dân số; 10,2% GDP; 10,9% vùng đô thị; 7,2 diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam: Đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long; 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước; đặc biệt 20% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập. Khi đó, sẽ có khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP.
|
Đặng Hiếu