Cần đánh giá tổng thể để phát huy hiệu quả của trợ giá xe buýt 

(ĐCSVN) – Phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình vận tải này lại chưa thu hút được lượng khách như mong muốn có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó nội dung trợ giá như thế nào cho hiệu quả đã được nhiều người quan tâm.

 

Thành phố cần đánh giá lại hiệu quả thật sự của việc trợ giá xe buýt để có giải pháp phù hợp

Bản chất của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là không thể "lấy thu bù chi" do hoạt động theo biểu đồ vận hành nên dù không có hành khách vẫn phải duy trì. Trong khi đó, mức cước được áp dụng thấp nên nếu không duy trì chính sách trợ giá thì xe buýt rất khó tồn tại và thu hút người dân đi lại. 

Tại TP Hồ Chí Minh, trợ giá xe buýt là vấn đề đã được quan tâm triển khai từ năm 2002 với 45 tuyến, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng, qua đó giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

Theo thống kê, hiện nay, TP đang có 143 tuyến xe buýt, gồm 105 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá, với tổng số 2.478 phương tiện. Cùng với sự gia tăng số đầu xe và luồng tuyến, tổng trợ giá từ ngân sách cho xe buýt cũng tăng đáng kể, từ 39,18 tỉ đồng năm 2002 lên khoảng 1.290 tỉ đồng năm 2012 và hiện vẫn đang giữ ở mức trung bình 1.000 tỉ đồng/năm. 

Tuy nhiên, trên thực tế, lượng khách sử dụng loại phương tiện này không tăng như kỳ vọng. Đặc biệt, từ năm 2013 đến 2016, khối lượng vận tải hành khách công cộng trên các tuyến có trợ giá giảm dần, lần lượt từ 372, 317, 267 và 234 triệu lượt hành khách/năm, tương ứng mức trợ giá mỗi năm lần lượt là 1.288 tỉ đồng, 1.235 tỉ đồng, 891 tỉ đồng và 934 tỉ đồng. Năm 2017 tới 2018, lượng người sử dụng xe buýt bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tăng nhẹ so với những năm trước, trong khi mức trợ giá của 2 năm này vào khoảng gần 1.000 tỉ đồng/năm.

Từ các con số trên,các chuyên gia kinh tế cũng như người dân cho rằng, với phương thức trợ giá như hiện nay, dù tốn quá nhiều chi phí nhưng hiệu quả lại chưa cao nên cần đánh giá lại chính sách này.

Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, việc trợ giá chưa đem lại hiệu quả thật sự. Nếu "chạy" theo chi phí của doanh nghiệp để bù chi phí cao thì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời không công bằng với những đơn vị đảm nhận các tuyến không có trợ giá. Giải pháp lâu dài là cần trợ giá trực tiếp cho hành khách chứ không gián tiếp như hiện nay. Việc này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ. Mặt khác, ngành xe buýt cần chủ động phương án tự tạo ra nguồn thu, như cho quảng cáo trên thân xe hiện nay là một điển hình.

Cùng với đó là tăng cường giám sát, đánh giá lại nhu cầu của hành khách theo tuyến để trợ giá, không thực hiện tràn lan. Trên cơ sở đó để xác định số tuyến, số lượng hành khách theo đối tượng và mức trợ giá cụ thể. Ngành xe buýt thành phố cần đưa ra những giải pháp mà không tốn tiền để nâng cao tỷ lệ người đi xe buýt như vệ sinh trên xe buýt, tại nhà chờ, an toàn trên xe…

Giám đốc Sở Giao thông vận tải  Bùi Xuân Cường cho biết, hiện nay hệ thống vận tải hành khách công cộng TP đáp ứng khoảng 9,5% nhu cầu, mục tiêu năm 2020 là 15%. Theo ông Cường, hiện nay mức trợ giá xe buýt tại thành phố khoảng 40% (với tỷ lệ trợ giá/chi phí), trước đây có thời điểm trợ giá tới 68%.

Theo ông Cường, xe buýt đóng vai trò chủ lực trong vận tải hành khách công cộng thành phố. Tuy nhiên, ngành xe buýt đang đối diện với khó khăn như trợ giá 3 năm gần đây không tăng mà giảm, duy trì khoảng 1.000 tỷ đồng. Trước đây, trợ giá cao nhất là 1.400 tỷ đồng/năm. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng, mở thêm luồng tuyến mới gặp khó khăn. Dự kiến, đến năm 2020, thành phố tăng thêm 220 tuyến, với 5.600 phương tiện. Tìm kiếm kinh phí hoàn thành mục tiêu trên là thách thức lớn.

Về vấn đề trợ giá sao cho hiệu quả, ông Cường nhấn mạnh: “TP sẽ xây dựng bộ định mức đơn giá mới để trợ giá hợp lý”.

Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, để tiếp tục sử dụng hiệu quả tiền trợ giá hiện nay, ngành giao thông TP đang tập trung đổi mới về tư duy quản lý đối với hoạt động xe buýt. Cụ thể là xem hành khách là trung tâm phục vụ, nhờ hành khách mới duy trì và phát triển được hệ thống xe buýt. Ông Cường cũng cho biết việc quản lý, điều hành xe buýt hiện đang được áp dụng nhiều giải pháp công nghệ, tự tạo nguồn thu như đang triển khai quảng cáo ở thân xe, xã hội hóa đầu tư hạ tầng bến bãi…

Thành phố sẽ xây dựng bộ định mức đơn giá mới để trợ giá hợp lý

Bàn về vấn đề trên, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết năm 2018, TP bố trí ngân sách trợ giá xe buýt là 1.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí dự phòng cho việc thay đổi nhiên liệu và mở thêm tuyến mới là 101 tỉ đồng. Tính đến tháng 8 vừa qua, trợ giá đã thanh toán 747 tỉ đồng (chiếm 74% tổng dự toán). Trong khi đó, hiện Sở Giao thông Vận tải Thành phố đang đề xuất tăng thêm khoảng 300 tỉ đồng tiền trợ giá năm 2018 nên các đơn vị hiện vẫn đang nghiên cứu, đánh giá nhằm có số liệu, phương án cụ thể. Sở Tài chính đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải Thành phố trình Hội đồng Xây dựng định mức lao động - kỹ thuật TP thẩm định bộ đơn giá mới, trình UBND TP trong năm nay để phê duyệt.

Bên cạnh đó, bà Trang cũng cho rằng trong việc mở luồng tuyến mới thì trước đó phải khảo sát, đánh giá những luồng tuyến cũ, nếu hoạt động không hiệu quả thì cần cắt bỏ để tránh gây lãng phí. Để bổ sung nguồn chi cho trợ giá xe buýt, thành phố cho quảng cáo trên xe buýt. Năm 2017 số tiền thu từ quảng cáo nộp ngân sách là 16 tỷ đồng, 2018 thu được 53 tỷ đồng từ quảng cáo trên thân xe buýt, nhà chờ.

Để việc trợ giá được phát huy tối đa hiệu quả, Thành phố cần xem xét, đánh giá một cách tổng thể từ yếu tố doanh nghiệp, hành khách, các yếu tố kinh tế, xã hội khác, để có mức trợ giá phù hợp nhất. Được biết, vừa qua Sở Giao thông Vận tải TP đã tạm ngưng 4 tuyến xe buýt có trợ giá. Về lâu dài, để hoạt động của xe buýt ngày càng phát triển, số lượng hành khách ngày càng đông thì Thành phố vẫn cần hạn chế phương tiện xe cá nhân, tuyên truyền thu hút người dân đi lại bằng loại phương tiện này đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ./.

VL (tổng hợp)

460 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 550
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 550
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77577233