|
Ảnh minh họa (Ảnh: TTXVN) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện tại, do giá dầu đã giảm mạnh so với cuối năm 2019 (giảm 35%) nên ngư dân vẫn đang tích cực bám biển sản xuất ở tất cả các vùng biển để khai thác hải sản. Tại hầu hết các địa phương chưa xảy ra tình trạng tàu cá nằm bờ không đi khai thác do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhiều loại hải sản bị giảm giá và lượng tiêu thụ giảm so với trước khi có dịch nên hiệu quả sản xuất của ngư dân bị giảm đáng kể. Những tàu cá khai thác sản lượng thấp hoặc sản phẩm đánh bắt tiêu thụ chậm do không xuất khẩu được sẽ bị lỗ nhẹ. Mặc dù hiệu quả sản xuất thấp, kể cả lỗ khi đi sản xuất nhưng ngư dân vẫn bám biển sản xuất để giữ lao động, giảm bớt chi phí duy trì nếu tàu cá nằm bờ. Với tàu cá hoạt động tại vùng biển xa được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, giúp ngư dân duy trì sinh kế trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với xuất khẩu thủy sản, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng trên toàn cầu thì việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhà hàng ở các thị trường giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có giá cao. Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Do ảnh hưởng của dịch nên xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản sẽ có những thay đổi. Các thị trường sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà cao hơn so với sử dụng thủy sản tươi sống. Sản phẩm thủy sản đóng hộp, chế biến sẵn cũng sẽ được ưa chuộng. Vì vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Đồng thời, khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu cũng là thời cơ để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào thị trường nhập khẩu của các nước, tăng lượng xuất khẩu, bù lại sản lượng bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.
Trước ảnh hưởng của dịch COVD-19 đối với ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, kịp thời điều chỉnh mùa vụ, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác.
Đồng thời, Bộ đã đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi hết dịch. Đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể tạm thời không đi khai thác, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi. Các tàu cá tạm dừng khai thác sẽ đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện hành.
Hiện nay, việc xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh tại các thị trường nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề hải sản khai thác giảm giá do tiêu thụ chậm, chưa xuất khẩu được, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sẵn, bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân có biện pháp giảm thời gian bảo quản sản phẩm hải sản khai thác trên tàu. Cụ thể như: giảm bớt thời gian chuyến biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác để kịp thời vận chuyển về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi để tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thông tin dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường chính, truyền thống, tận dụng cơ hội xuất khẩu hải sản ngay khi dịch được kiểm soát và thị trường nhập khẩu mở cửa trở lại. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất thủy sản, tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết chuỗi khai thác, chế biến tiêu thụ trong khai thác thủy sản, nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản./.
BT