|
Cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 1/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác |
Ông Nguyễn Đình Hoàn (Nghệ An) có thời gian công tác như sau:
- Từ tháng 9/1983 đến tháng 5/1984, xã đội phó, Ban chỉ huy quân sự xã Xuân Lâm;
- Từ tháng 6/1984 đến tháng 5/1989, Phó Ban Tài chính xã Xuân Lâm;
- Từ tháng 6/1989 đến tháng 3/1997, Trưởng Công an Vùng 2, xã Xuân Lâm;
- Từ tháng 4/1997 đến tháng 3/2001, Phó Chủ nhiệm HTX Xuân Lâm 1;
- Từ tháng 4/2001 đến tháng 8/2005, Chủ nhiệm HTX Xuân Lâm 1;
- Từ tháng 9/2005 đến tháng 6/2016, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Lâm;
- Từ tháng 7/2016 đến nay, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Lâm.
Ông Hoàn hỏi, thời gian ông làm Phó Trưởng Ban Tài chính xã từ tháng 6/1984 đến tháng 5/1989 có được cộng nối thời gian sau này để hưởng BHXH khi nghỉ hưu không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ Khoản 6, Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì “cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu công tác liên tục đến ngày 1/1/1998 và hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đảm nhiệm chức danh trước ngày 1/1/1998 được tính là thời gian đóng BHXH…
Đối với cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 1/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH”.
Vì vậy, thời gian giữ chức danh Phó Trưởng Ban Tài chính xã Xuân Lâm từ tháng 6/1984 đến tháng 5/1989 của ông không được cộng nối với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.
Chinhphu.vn