Cần cú hích cho một mô hình 

Trong vài thập kỷ lại đây, trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo… người ta hay bàn đến mấy cụm từ mà trước đó trong thế giới ngôn ngữ ít dùng, đó là: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên, trong đó tập trung vào cây lúa và con lợn.

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như: quá trình thâm canh nông nghiệp hiện tại đang dẫn đến việc giảm đa dạng về cảnh quan nông nghiệp; suy thoái đất đai và suy giảm đa dạng sinh học, tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng; quản lý bền vững độ phì của đất và “sức khỏe” của đất để duy trì năng suất... Tuy nhiên, vấn đề căn cơ là chất lượng thực phẩm, an toàn thực phẩm với sức khỏe con người.

Từ thực tiễn và cách nhìn mới, xã Vĩnh Thái, một xã vùng biển bãi ngang nằm phía đông huyện Vĩnh Linh đã hình thành được mô hình nuôi lợn sạch, đảm bảo phần nào nguồn thực phẩm an toàn ra thị trường.

Đồng chí Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 815 hộ thì có đến 60-70% có nghĩa là có trên 500 hộ nuôi lợn. Quá trình nuôi lợn của các hộ gia đình ở đây cũng thật đơn giản. Con giống chủ yếu lợn lai F1(50% máu ngoại), F2 (Lợn đực ngoại x F1(Đại Bạch x Móng Cái); giá một con tầm vừa nuôi khoảng 150- 200 ngàn đồng. Thức ăn chủ yếu là lúa nghiền thành cám, khẩu phần một con khoảng một bữa khoảng 1kg cho thêm ít muối; chất xơ kèm theo là cây môn, cây lạc sau thu hoạch người ta băm nhỏ thả vào chuồng, có gia đình cầu kỳ hơn thì muối dưa môn để đổi bữa cho lợn. Đây cũng là cách tận dụng, bảo quản dài ngày cho cây môn không bị úa vừa là thức ăn khoái khẩu cho lợn. Chuồng trại cũng không cầu kỳ, hầu hết được xây bằng gạch hoặc táp lô, thiết kế hai ngăn, ngăn cao lợn nằm và ngăn thấp để thoát nước và phân. Hàng ngày, lợn được tắm và nước thải ấy chảy vào ngăn thấp. Để tận dụng các hộ gia đình độn thêm rác, cây bạch đàn, rơm rạ và cả thân cây đậu, môn. Vài ngày một lần, người ta vớt lên thành đống trộn thêm vôi, có nhà thêm chế phẩm EM ủ, khi nào “hoai” người ta gọi vui là phân sạch thì đem bón cho cây trồng. Cây trồng chủ yếu vùng này là cây lúa, cây lạc, cây môn và cây ném sạch. Cứ như vậy, quy trình “sạch” này lặp đi lặp lại theo thời gian và cuộc sống vốn bình lặng của người dân Vĩnh Thái.

Lâu nay nông nghiệp hay nói chuyện đầu ra nhưng với người chăn nuôi lợn Vĩnh Thái thì khỏi phải bàn vì mỗi nhà chỉ nuôi 3 - 7 con; thời gian nuôi cách trở và xuất chuồng sau 5-7 tháng, trọng lượng chừng 70-80 kg/con. Thức ăn chăn nuôi lợn của người dân Vĩnh Thái chủ yếu “cây nhà lá vườn” và thêm cái muối mặn mòi của biển cả nên thịt lợn vừa chắc, vừa dòn vừa thơm và đặc biệt là không thấy ngấy như thường ngày chúng ta hay bắt gặp. Với cung cách chăn nuôi như hiện nay, mỗi hộ gia đình bình quân nuôi được 02 lứa/năm, với khoảng 6 con, mỗi con khoảng 80kg, giá tại chuồng 60.000 đồng, mỗi năm thu hoạch từ lợn trên dưới 40-45 triệu. Với người dân vùng bãi ngang, nắng, cát, gió công với thu nhập từ biển vậy được coi là đủ sống.

Tuy nhiên, để người dân Vĩnh Thái làm giàu từ chăn nuôi lợn sạch thì còn nhiều việc phải bàn. Thứ nhất, câu chuyện lợn sạch của người dân Vĩnh Thái mới dừng lại cung cách chăn nuôi theo kiểu “truyền thống”. Thứ hai, là đầu ra của sản phẩm cũng đang ở quy mô nhỏ lẻ mà để người chăn nuôi sống được với nghề, gắn với nghề thì phải sản xuất hàng hóa theo phương pháp canh tác tự nhiên (CTTN) theo chuỗi giá trị. Muốn làm được điều đó, để tạo “cú hích” cho việc chăn nuôi lợn sạch Vĩnh Thái nói riêng và cả tỉnh nói chung có lẽ nên có những giải pháp hữu hiệu. Đó là tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cấp xã; cộng đồng và mỗi người dân phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của chăn nuôi trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất canh tác tự nhiên và tiêu thụ sản phẩm từ hình thức sản xuất này để góp phần tạo ra nông sản sạch và bảo vệ môi trường. Từ đó, người chăn nuôi là phải chuyển nhận thức từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh; từ chăn nuôi “thả nỗi” sang chăn nuôi có quản lý, chăn nuôi lợn “sạch”.

Có cơ chế, chính sách như: hỗ trợ ban đầu một phần kinh phí từ chương trình khuyến nông, từ nguồn đầu tư phát triển của các địa phương giúp người dân xây dựng chuồng trại quy mô hay chế biến, dự trữ thức ăn…để tạo ra sản xuất hàng hóa, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiêụ cho sản phẩm.

Các cơ quan chuyên môn cần kiểm tra đánh giá chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, truy xuất rõ nguồn gốc của sản phẩm. để khuyến khích người dân tiếp tục duy trì và phát triển hình thức nuôi lợn sạch. Và cuối cùng là cần có các liên kết với các doanh nghiệp để có các cam kết trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Các giải pháp nếu trên, nếu tiến hành một lần chắc khó. Nhưng nếu có quyết tâm và hướng đi; có sự vào cuộc của Cấp ủy, chính quyền các cấp sự đồng lòng của người dân thì việc chăn nuôi lợn sạch theo hướng sản xuất hàng hóa góp phần bền vững phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới…chắc chắn sẽ thành hiện thực. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

627 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 803
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 803
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77253604