Cần công chứng trong giao dịch bất động sản giữa doanh nghiệp và cá nhân 

(Chinhphu.vn) - Sáng 29/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Một trong những băn khoăn, lo lắng được nhiều đại biểu bày tỏ là việc không yêu cầu bắt buộc công chứng giao dịch bất động sản giữa doanh nghiệp và cá nhân, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, rủi ro cho người mua nhà khi xảy ra tranh chấp.
Rủi ro cho người mua nhà khi không công chứng hợp đồng giao dịch BĐS giữa DN và người dân - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn: Quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản cần được quản lý chặt chẽ - Ảnh: VGP/LS

Không để người dân tham gia giao dịch với hành trang là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp BĐS

Ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, cho rằng quy định như trên đã bỏ đi một số trường hợp buộc phải công chứng, chứng thực khi giao dịch bất động sản, trong khi chưa có đánh giá tác động, nêu rõ lý do bỏ các trường hợp này.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng hợp đồng mua bán bất động sản giữa doanh nghiệp với người dân mà không bắt buộc yêu cầu công chứng là không hợp lý.

Vị đại biểu này nêu thực tế, hàng nghìn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp xảy ra. "Tranh chấp liên quan các giao dịch gian lận này thực sự tốn thời gian, tiền bạc, và có thể dẫn đến việc người mua không được hoàn trả lại số tiền đã thanh toán, làm nhiều người dân phải gánh một khoản nợ không nhỏ", đại biểu nêu.

Với cá nhân, giao dịch mua nhà ở không thường xuyên diễn ra nên sự hiểu biết của họ về cách thực hiện giao dịch thường bị hạn chế. "Không nên để người dân tham gia giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, sự tham gia của bên thứ ba, trong đó có công chứng là bên trung gian trong giao dịch bất động sản là phù hợp", đại biểu nói thêm.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản cần được quản lý chặt chẽ, vì quy định này là rất cần thiết, quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi người dân, đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền sở hữu được xác định rõ ràng. Khi niềm tin vào quyền sở hữu được bảo đảm thì sẽ thúc đẩy việc mua bán, đầu tư vào tài sản cũng như sự phát triển minh bạch của thị trường bất động sản.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng ủng hộ việc cần có đại diện của công chứng là bên thứ 3 trong giao dịch bất động sản giữa doanh nghiệp và cá nhân mua nhà. Theo bà, nhà ở, bất động sản thường có giá trị lớn, hợp đồng mua bán thường rất dày, nhiều điều khoản nên người mua nhà khó hiểu hết. Do đó, cần có công chứng viên giúp người mua nhà đảm bảo quyền lợi, để khi có tranh chấp xảy ra thì được giải quyết thấu đáo.

"Nếu không có hợp đồng mẫu, không công chứng thì người dân sẽ bị thiệt trong các giao dịch bất động sản", bà Tuyết nhận xét, và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm vai trò của công chứng trong giao dịch bất động sản với một bên là cá nhân.

Rủi ro cho người mua nhà khi không công chứng hợp đồng giao dịch BĐS giữa DN và người dân - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị VIệt Nga: Thực tế hiện nay việc 'đặt cọc' mua nhà ở hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn - Ảnh: VGP/LS

Quy định về đặt cọc để hạn chế phát sinh rắc rối

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 6 Điều 23.

Thứ nhất, đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết về quy định đặt cọc và cho rằng, nếu không có quy định về đặt cọc, đặc biệt là số tiền đặt cọc tối đa và thời điểm đặt cọc thì sẽ phát sinh nhiều rắc rối. Thực tế hiện nay, việc đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn vì chúng ta thiếu những quy định này, do đó dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30%-50% tổng giá trị của công trình…

Đại biểu nhận thấy, nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.

Thứ hai, về thời điểm đặt cọc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án 1 theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng. Thời điểm cho phép thu tiền đặt cọc là khi dự án với thiết kết cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, với những ràng buộc pháp lý như vậy, vừa đảm bảo chắc chắn dự án sẽ được triển khai, không có trở ngại về pháp lý, vừa tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa đảm bảo các yêu cầu thủ tục, chưa được thẩm định, dẫn đến việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép, lừa lấy tiền cọc của người mua hoặc mất cả năm thanh toán trả lại tiền cọc cho người mua…

Lê Sơn

396 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 891
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 891
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87047992