|
TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Gần 40 năm thực hiện cải cách, liên tục cải cách
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết một số nhận định về những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng trong lĩnh vực kinh tế của Đảng ta trong suốt 38 năm qua, kể từ khi công cuộc Đổi mới chính thức khởi động năm 1986?
TS Nguyễn Đình Cung: Năm 1986 là dấu mốc chính thức khởi động công cuộc Đổi mới, nhưng sự chuyển đổi thật sự phải tính từ năm 1990. Trong cả quá trình Đổi mới, sự phát triển vượt bậc là điều không thể phủ nhận, và cũng không ai có thể phủ nhận. Sự dịch chuyển từ mốc thu nhập bình quân đầu người khoảng 400 - 500 USD/người/năm cán mốc 4.300 - 4.400 USD/người/năm ở thời điểm hiện nay, có thể coi là thành tựu đáng kể!
Nhưng mục tiêu, tham vọng của chúng ta không phải chỉ có vậy, bởi cũng trong từng ấy thời gian, thậm chí ngắn hơn, cũng xuất phát điểm từ những nền kinh tế nghèo đói, các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia, nhà nước hùng cường, gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế phát triển có thu nhập cao. Điều này cho thấy, rõ ràng chúng ta còn một chặng đường xa phải đi, và chặng đường đó ngày càng gian nan hơn.
Theo tôi, thành tựu hôm nay có được là nhờ tư duy cải cách và quyết định của Đảng ta khi quyết tâm chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tạo tiền đề cho việc sau này trong các văn kiện chính trị tại Đại hội XII, XIII, chúng ta đặt ra mục tiêu và định hướng chuyển sang mô hình kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, và hiện thực hóa việc mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện. Nếu hai yếu tố này cứ song hành một cách hiệu quả, sẽ có thời điểm kinh tế Việt Nam cất cánh.
PV: Xin ông nói rõ hơn về quá trình chuyển đổi này tại Việt Nam?
TS Nguyễn Đình Cung: Nếu đặt thời điểm năm 1986 là khởi đầu của một cuộc cách mạng cải cách thì năm 1990 phải xác định là dấu mốc khởi đầu của cuộc cải cách thứ hai – giai đoạn cải cách thật sự sâu rộng khi chuyển đổi một cách toàn diện nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường. Tại thời điểm đó, chúng ta bỏ hoàn toàn bao cấp, sử dụng các công cụ của kinh tế thị trường để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Động thái mạnh mẽ nhất là chỉ trong khoảng 2 năm (1990 - 1991), đã có 6.000 doanh nghiệp nhà nước thua lỗ được giải thể; đồng thời mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Đến ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.
Tiếp đó, việc Việt Nam thực hiện bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ mở ra một thời kỳ mới trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây có thể coi là thời điểm kinh tế Việt Nam cất cánh, và có tác động rất lớn trong việc định hình đường lối phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn cải cách này, năm 2000 là dấu mốc quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam chính thức ký kết hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ - một hiệp định cực kỳ quan trọng, có tác động rất lớn trong việc định hình đường lối phát triển kinh tế Việt Nam.
Năm 2000 cũng đánh dấu một thời kỳ mới cho việc phát triển kinh tế tư nhân từ việc Việt Nam có Luật Doanh nghiệp. Đây là sự chuyển đổi thật sự mạnh mẽ mô hình kinh tế, kinh tế tư nhân được thực hiện những hoạt động Nhà nước cho phép (1991 - 2000) và được phép tự do kinh doanh những gì pháp luật Việt Nam không cấm (từ năm 2000).
Sau đó là quá trình Việt Nam cải cách, liên tục cải cách, thực hiện chuyển đổi và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế cho khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện khung khổ pháp lý, quản lý kinh tế vĩ mô. Và, Việt Nam có được nền tảng tốt để vận hành nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Và đó cũng là thời điểm mà Việt Nam cảm nhận được việc sử dụng mô hình kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, lực lượng lao động chi phí thấp… dần dần có nhiều hạn chế, và yêu cầu chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh được đặt ra.
PV: Nghĩa là vấn đề tăng trưởng sẽ quyết định định hướng cũng như kết quả phát triển kinh tế một quốc gia, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Trở lại vấn đề tăng trưởng kinh tế, một quốc gia, một đất nước muốn có sự phát triển, muốn trở nên lớn mạnh, hùng cường, đều bắt buộc tăng trưởng kinh tế phải ở mức cao. Nhưng nhìn lại chặng đường suốt 38 năm thực hiện Đổi mới của nước ta, ở thập kỷ đầu tiên - thời điểm khởi đầu của chuyển đổi, mức tăng trưởng trung bình khoảng 8%. Thập kỷ thứ hai - thời điểm thực hiện cải cách toàn diện thể chế kinh tế, mức tăng trưởng trở quanh mốc 7%. Thập kỷ thứ ba, mức trung bình là 6,5 - 6,8%. Ở thập kỷ thứ tư - thời điểm hiện nay, một phần do phải gánh chịu sức tàn phá kinh khủng do đại dịch, thiên tai…, mức tăng trưởng trung bình duy trì ở ngưỡng 6%.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nếu so với các quốc gia trên thế giới vẫn thuộc loại khá cao, song tốc độ tăng trưởng đó không đủ giúp Việt Nam phát triển vượt bậc như kỳ vọng, bứt phá trở thành quốc gia phát triển với mức thu nhập cao bởi xu hướng đi xuống đang giữ phần chủ đạo.
Tại sao sau gần 40 năm qua, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa được như kỳ vọng? Nhiều năm trước, chúng ta đã đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nhưng thực tế hiện mới có hơn 930.000 doanh nghiệp, trong đó có đến hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa? Vậy mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 có quá tầm không? Lý do tại sao đến bây giờ, chúng ta không có được một doanh nghiệp sở hữu một công nghệ đặc biệt nào đó, và không có một doanh nghiệp nào đứng tốp đầu trong một lĩnh vực nào đó?...
Đó là những trăn trở cần có lời giải đáp.
Thực tế cho thấy, lực lượng doanh nghiệp không lớn mạnh thì không thể có nguồn lực để huy động và sử dụng hiệu quả được.
Vậy động lực nào giúp Việt Nam làm được điều này? Tôi cho rằng, không gì khác ngoài thể chế kinh tế và sức lực của toàn dân. Nghĩa là chúng ta cần phải huy động được sức mạnh toàn diện, huy động triệt để sức mạnh nội sinh, sử dụng hiệu quả nguồn lực Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Đối với sức mạnh ngoại lực, chúng ta nên coi đó là động lực phù trợ, góp phần khơi dậy sức mạng nội sinh.
PV: Có ý kiến cho rằng, yếu tố quyết định là sự chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế thị trường trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: Đó là điều không thể phủ nhận. Tại các Đại hội XII, XIII, Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề tái cơ cấu, chuyển đổi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế như một nội dung chủ yếu trong các văn kiện chính trị quan trọng của Đảng với những mục tiêu, định hướng rõ ràng. Song kết quả hiện nay còn chưa được như kỳ vọng, chưa đạt được những mục tiêu đã đề ra, một phần là do chúng ta đã duy trì qua lâu giai đoạn chuyển đổi thể chế kinh tế.
Mặt khác, có một thực tế, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… là những xu hướng đang thu hút sự chú ý của xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nhưng hành động cụ thể thì chưa nhiều, chưa đáng kể. Lý do chính là các xu hướng này nếu muốn có kết quả phải được thực hiện trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế, mà không gì khác hơn ngoài kinh tế thị trường.
Bản chất kinh tế thị trường là do dân, vì dân, tạo điều kiện cho người dân được làm những điều pháp luật không cấm, Nhà nước đóng vai trò định hướng và đồng hành trên con đường phát triển đó, chứ không nên tham gia vào tất cả các khâu, các việc mà người dân có thể làm, có thể làm tốt.
Với tư cách một người nghiên cứu lâu năm về kinh tế, về các mô hình quản lý kinh tế, tôi kỳ vọng, chúng ta sẽ có một kết luận rõ ràng từ cấp có thẩm quyền để có thể thống nhất cách hiểu, cách cắt nghĩa và hành động chung về mô hình kinh tế thị trường mà Việt Nam đang triển khai.
|
Kinh tế tư nhân dần trở thành một lực lượng quan trong trong nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh: HN) |
Kiến tạo thể chế kinh tế khuyến khích sự đổi mới sáng tạo
PV: Theo ông, chúng ta đang ở giai đoạn nào của quá trình chuyển đổi?
TS Nguyễn Đình Cung: Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo. Để sự chuyển đổi có hiệu quả thật sự, chúng ta không có cách gì hơn ngoài thực hiện áp dụng triệt để kinh tế thị trường để phát triển thị trường nhân tố sản xuất, như: thị trường quyền sử dụng đất, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ...
Thực tế, đổi mới sáng tạo cần có nền tảng kích thích sự sáng tạo, sự đổi mới. Bởi đổi mới sáng tạo là làm ra cái mới, cái chưa có tiền lệ và chấp nhận rủi ro. Tại thời điểm này, chúng ta muốn thực hiện chuyển đổi, muốn có được đổi mới sáng tạo thì cần có kinh tế thị trường và cần phải chấp nhận rủi ro và cho phép tự do đổi mới. Ngược lại, việc đề ra và đưa vào các thể chế kinh tế các quy định bắt buộc thực hiện (trừ các hoạt động hành chính) sẽ triệt tiêu đổi mới sáng tạo, triệt tiêu thị trường.
Tất nhiên, kinh tế thị trường không thể thiếu vai trò của Nhà nước, đặc biệt là Nhà nước cần kiến tạo thể chế kinh tế khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, kiến tạo thị trường minh bạch, lành mạnh, bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của những nhà đầu tư, người dân bằng nguồn lực, nỗ lực thật sự đóng góp vào công cuộc chuyển đổi của đất nước.
PV: Ở thời điểm hiện nay, khi công tác chuẩn bị cho việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng đang được gấp rút thực hiện nhằm kiến tạo chiến lược phát triển trung và dài hạn của đất nước, chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa kỳ vọng vững vàng bước vào kỷ nguyên kinh tế mới?
TS Nguyễn Đình Cung: Để làm được điều này, chúng ta cần có sự thay đổi, sự thẩm thấu từ nhận thức đến tư duy. Thời điểm năm 1986, công cuộc Đổi mới được thực hiện và có được những thành tựu đó là nhờ có sự chuyển đổi thật sự trong nhận thức và tư duy từ cấp có thẩm quyền đến từng người dân.
Đây là những nội dung quan trọng đã được đề cập tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Đó là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Như đã nói ở trên, một quốc gia muốn trở nên lớn mạnh, hùng cường, yếu tố bắt buộc là tăng trưởng kinh tế phải ở mức cao. Điều này đặt ra cho Việt Nam bài toán cấp thiết, là muốn hoàn thành các mục tiêu lớn đã đề ra, xây dựng mục tiêu, đường lối cho kỳ Đại hội XIV của Đảng, Đảng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, xác định thật chuẩn xác những gì đang diễn ra để định ra mục tiêu hợp lý, đề ra định hướng phù hợp quyết tâm chính trị và tầm nhìn chiến lược.
Tại Đại hội VI, Đảng ta đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy trong lý luận và hành động quản lý kinh tế của những người lãnh đạo cao nhất thời điểm đó khi đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng thời điểm đó và dám “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”.
Hiện nay, muốn đạt được kỳ vọng đưa đất nước, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, đưa nền kinh tế cất cánh cũng phải bắt đầu từ tư duy và cần có sự đổi mới thật sự về tư duy. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, cần chuyển đổi tư duy về vai trò lãnh đạo và cần thay đổi cách thức lãnh đạo của Đảng. Chỉ có đổi mới tư duy thì mới có được chỉ đạo đúng, hành động đúng. Và hành động đầu tiên cần có là đổi mới thể chế kinh tế, có sự phân bổ nguồn lực bằng thị trường mới có thể mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước.
Tôi tin rằng, khi đề ra được mục tiêu, đưa được định hướng đúng đắn, quyết liệt vào các văn kiện chính trị quan trọng nhất, Việt Nam sẽ kiến tạo được thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế; kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo thật sự hấp dẫn sẽ thu hút được nguồn lực, thu hút được nhân tài và có thể đưa đất nước cất cánh, đi vào quỹ đạo phát triển mới, tạo được sự bứt phá, bước ngoặt lớn về kinh tế trong tương lai không xa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!