Cần có lộ trình áp dụng phù hợp các phương án rút BHXH một lần 

(ĐCSVN) – Theo các đại biểu, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Chiều 02/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định hưởng BHXH một lần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất 2 phương án.

  Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.

Phương án 2 là: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".

Các đại biểu Quốc hội ở tổ Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam thảo luận về  dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: TH

Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc: Trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo tổng kết thi hành luật cũng chỉ rõ, sau 07 năm thực hiện Luật, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn cao, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người. Trong đó, có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016 - 2022. Theo đó, trong giai đoạn này, ước khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội (đến thời điểm hiện tại), chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, về cơ bản, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước (mức tăng bình quân 6,5%/năm). Như vậy, đặt ra yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Đại biểu bày tỏ thống nhất với phương án 1 của dự thảo Luật, trong đó, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.

Bởi theo đại biểu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: Chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; Hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; Trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì người lao động còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt…

Đồng thời, quy định như trên để tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

“Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút BHXH một lần từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội”, đại biểu kiến nghị.

Nhấn mạnh đây là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. song đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH Thanh Hoá lưu ý, tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn,  các phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như Tờ trình của Chính phủ đã xác định. Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH)Tạ Thị Yên, Đoàn Điện Biên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, quy định hưởng BHXH một lần là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích: người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình; Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng.

Đại biểu Tạ Thị Yên chỉ ra trong thực tế, tiền đóng BHXH là để dưỡng già và gắn với BHYT, vốn được chi trả như nhau không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng BHXH. Mà với mục tiêu mở rộng, dần hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội, BHYT thì cuối cùng những người rút BHXH hưởng 1 lần sẽ vẫn được Nhà nước đảm bảo.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cũng không có cơ sở lo lắng về trượt giá, vì thực tiễn cho thấy, mỗi khi cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu, Nhà nước luôn điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.

Đại biểu dẫn chứng, ngay Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng đã chỉ rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”. Do đó, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như trong Dự án Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn như: giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng.../.

 

 

 
Vy Anh
366 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 937
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 937
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87220430