Chiều 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường chiều 29/10. (Ảnh: Bích Liên)
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng vào thị trường chứng khoán
Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Về điều hành kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, qua đó giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp. Lạm phát cơ bản năm 2016 chỉ ở mức 1,83%; năm 2017 là 1,14% và 9 tháng 2018 là khoảng 1,41%. Như vậy, qua điều hành hiệu quả và ổn định chính sách tiền tệ, tạo dư địa cho các bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính điều hành quản lý giá, giữ được lạm phát ở mức dưới mức Quốc hội giao.
Trong điều hành vĩ mô, Bộ Tài chính và NHNN đã trao đổi chặt chẽ, điều tiết lượng tiền gửi từ của Kho bạc Nhà nước về NHNN đảm bảo ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất, không gây sức ép lên thị trường tiền tệ và lạm phát, qua đó đạt hiệu quả rất cao trong giữ ổn định các nền tảng vĩ mô.
Cũng theo Thống đốc NHNN, từ đầu nhiệm kỳ, nhu cầu phát hành trái phiếu rất lớn, chúng ta vừa giữ ổn định mặt bằng lãi suất, vừa đảm bảo nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng kỳ hạn phát hành, lãi suất các kỳ hạn đã giảm. Lãi suất kỳ hạn 5 năm của 2018 đã giảm 2,83% so với 2016; kỳ hạn 10 năm 2,1%; 15 năm giảm được 2,8%; kỳ hạn 20 giảm 2,58%.
Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh, việc vừa gia tăng được kỳ hạn phát hành, vừa giảm được lãi suất, đóng góp rất lớn vào sự ổn định và bền vững của nợ công và ngân sách Nhà nước.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong điều hành điều hành tiền tệ, NHNN cũng điều hành tốt chính sách tỷ giá, giúp ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trên cơ sở như vậy, ổn định được nghĩa vụ nợ nước ngoài của ngân sách, ổn định cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, kiều hối và lạm phát, tạo lập củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư.
“Chúng ta giữ được tỷ giá ổn định, giữ được thị trường ngoại hối xuyên suốt, giảm áp lực nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng vào thị trường chứng khoán, không gây ra biến động trên thị trường, nhưng vẫn giữ được sự ổn định của các dòng vốn. Khi thị trường có diễn biến đột xuất, lãnh đạo các bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời công bố thông tin, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, giảm bất ổn không đáng có. Khi làm việc với các tổ chức quốc tế, ngân hàng cung cấp thông tin định kỳ, kỹ lưỡng, minh bạch, cho họ đánh giá khách quan, củng cố lòng tin, điều hành kinh tế vĩ mô”, Thống đốc NHNN cho biết.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đầu tư công thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cũng đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư các dự án để thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân, nước ngoài mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.
Về công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công, đại biểu cho rằng đây là khâu đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công trình, cũng như niềm tin của xã hội, do vậy cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình thực hiện, thi công, quản lý dự án...
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, có giải pháp hiệu quả để bảo đảm các nguồn thu, giảm nợ thuế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trái phiếu nhà nước, tránh lãng phí ngân sách...
Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương thi hành công vụ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện các quy định của Chính phủ, trả lời kiến nghị của các địa phương. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách; thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí; có giải pháp hiệu quả, cân đối lại ngân sách, khắc phục tình trạng hụt thu ngân sách Trung ương. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí đủ vốn cho vùng khó khăn, nhất là vốn xây dựng kè biên giới, đường tuần tra biên giới, bố trí vốn đầu tư cho các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường; đầu tư kinh phí xây dựng chính phủ điện tử; đầu tư kinh phí bảo tồn di sản Huế…
Rà soát cơ cấu mục chi cho bảo vệ môi trường
Cho ý kiến về các mục chi cho bảo vệ môi trường đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho biết: Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu ngân sách bảo vệ môi trường tại các bộ ngành cơ quan Trung ương từ 2018 đã là 2.100 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 là 2.400 tỷ đồng, chủ yếu là phục vụ tuyên truyền, văn bản pháp luật.
Tuy nhiên, chi phí này nhiều năm qua còn dàn trải. Với 33 bộ, ngành cơ quan Trung ương mỗi cơ quan chỉ nhận được một ít như: Hội Người cao tuổi nhận hơn 1,1 tỷ đồng; Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh hơn 1 tỷ; cao nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 650 tỷ đồng, hay Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng là những cơ quan sử dụng nhiều.
“Hiện tình hình xử lý ô nhiễm còn kém, đặc biệt trong việc xử lý nước thải. Còn nhiều địa điểm ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Không chỉ riêng Hà Nội mà cả 5 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị ảnh hưởng. Dù đã chất vấn nhiều nhưng khi tiếp xúc cử tri vẫn nhận được phản ánh chưa thấy có tác dụng gì, vẫn ô nhiễm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe người dân”, đại biểu cho hay.
Để giải quyết tình trạng trên, đại biểu kiến nghị các Bộ, ngành rà soát lại cơ cấu mục chi với bảo vệ môi trường theo nguyên tắc duy trì hỗ trợ các đoàn thể để các đơn vị này làm nhiệm vụ tuyên truyền tới người dân thay vì làm công tác tuyên truyền phát tờ rơi hiện nay. Đồng thời, xem xét cắt giảm tuyên truyền quảng cáo, gây lãng phí…/.
Bích Liên