Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhận định về một số hạn chế trong khu vực FDI như: “Chưa khai thác tốt tính hiệu quả các lợi ích đan xen”[1]. Trong định hướng phát triển Đảng ta còn chỉ rõ: “Phải ưu tiên những dự án FDI có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu”[2].

Ảnh minh họa. (Nguồn: kinhtedothi.vn)

Từ vị thế FDI trong nền kinh tế…

Theo thống kê, cho đến cuối năm 2020, cả nước đã có 33.070 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 384 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. FDI đã đầu tư vào 63 tỉnh, thành và 19/21 ngành, dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh.

Theo đối tác đầu tư, đã có 137 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 70,6 tỷ USD; thứ hai là Nhật Bản (60,3 tỷ USD). Các nước, vùng lãnh thổ tiếp theo là Singapore, Đài Loan ( Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)  và Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, FDI có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng GDP của khu vực FDI đã tăng từ mức 15,4% năm 2011 lên 19% GDP năm 2019, trong khi tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm dần (từ 29% xuống 27% trong cùng giai đoạn).

FDI đã đóng góp tương đối lớn và khá ổn định chiếm khoảng 22-24% trong giai đoạn 2011-2019, trong khi đóng góp của khu vực doanh nghiệp giảm dần và của khu vực ngoài nhà nước tăng dần, tương ứng giảm từ 37,3% xuống còn 31% và tăng từ 38,7% lên 46%.

Đối với xuất, nhập khẩu, FDI tăng mạnh con số tương ứng là hơn 70% và 60% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019. Đặc biệt, lĩnh vực này giúp Việt Nam thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2020 và đóng góp đáng kể cho thu ngân sách địa phương.

Ngay từ năm 2019, trong Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8, Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” đã chỉ rõ:  Qua 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có FDI) đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Hoạt động của khu vực này ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô…

Từ thực tiễn trên, Bộ Chính trị đã nêu mục tiêu vốn đăng ký giai đoạn 2021–2025 khoảng 30–40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026–2030 khoảng 40–50 tỷ USD/năm. Vốn thực hiện giai đoạn 2021–2025 khoảng 20–30 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026–2030 khoảng 30–40 tỷ USD/năm. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Đến một số hạn chế cần quan tâm…

Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ một số vấn đề cần quan tâm như:

(1) Tình trạng ô nhiễm môi trường, rủi ro mất an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Các dự án hạ tầng, một số dự án thực hiện với hình thức tổng thầu (EPC) tiềm chứa nhiều rủi ro đối với nợ nước ngoài và an ninh năng lượng của Việt Nam.

(2) Về mục tiêu tạo thu nhập và việc làm, FDI đóng góp còn tương đối hạn chế, nhất là tạo việc làm cho các địa phương, chỉ tăng từ mức 3,3% lên 8,36% giai đoạn 2011-2019. Điểm đáng lưu ý là không ít doanh nghiệp còn sử dụng lao động phi chính thức, kỹ năng thấp, công nghệ trung bình và thấp.

(3) Mức độ tác động lan tỏa của FDI lên nền kinh tế còn yếu. Mức đóng góp cho việc nâng cao năng lực công nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp. Tỷ trọng linh phụ kiện, vật liệu mà các doanh nghiệp nước ngoài mua ở Việt Nam chỉ chiếm 36,3%, trong tổng giá trị thu mua.

(4) Chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao từ FDI đến nay vẫn còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng, chỉ từ mức 33.365 tỷ đồng năm 2011 lên 166.352 tỷ đồng năm 2019, công nghệ chuyển giao chủ yếu là trung bình và lạc hậu.

Theo giới phân tích có những nguyên nhân chủ yếu như: khung pháp lý về FDI và các lĩnh vực liên quan còn chưa được đầy đủ; hiện tượng tham nhũng cũng góp phần tạo nên tình trạng có dự án FDI kém chất lượng gây phát thải, gây ô nhiễm môi trườngảnh hưởng đến ngành năng lượng và an ninh quốc gia.

Và những giải pháp nâng cao hiệu quả

Để sớm khắc phục những hạn chế trong thu hút FDI theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và  Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp chủ yếu sau:  

Một là, nắm bắt cơ hội do tác động từ bên ngoài. Bởi sau đại dịch COVID -19 có sự di chuyển FDI do yêu cầu cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu; sự tác động của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, khiến FDI hướng tới thị trường nước ta, bởi Việt Nam là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA.

Hai là, điều chỉnh, đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng:

- Giảm các tác động tiêu cực và tăng các lợi ích tiềm tàng của khu vực này đối với nền kinh tế, có tính đến bối cảnh mới.

- Quan tâm hóa giải thách thức khi dư địa chính sách thu hút FDI hữu hiệu, nhất là khi các cam kết FTA thế hệ mới và giảm ưu đãi theo lộ trình.

Ba là, để tránh bị khiếu kiện quốc tế với doanh nghiệp FDI trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới, cần nghiên cứu chuyên sâu các cơ chế, chính sách cho phù hợp, đủ để hạn chế các dự án FDI có thể ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, năng lượng, phát thải khí nhà kính, ô nhiếm môi trường và an ninh quốc gia...

Bốn là, xây dựng hoàn thiện chính sách chống chuyển giá, có tính đến các yếu tố chuỗi giá trị toàn cầu, mạng lưới sản xuất, thành tựu công nghệ 4.0 và mức ưu đãi ở các nước. Theo đó, “phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”...

Năm là, sớm nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh”, nhất là trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có tính pháp lý) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, phê duyệt đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần…

Sáu là, khi xây dựng danh mục hạn chế thu hút FDI phải phù hợp với các cam kết quốc tế, quan hệ bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư, ưu tiên thu hút vốn phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược “đan xen, cân bằng lợi ích”, nhất là với các nước lớn, các nước phát triển. Đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá an ninh đối với các dự án FDI có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia./.

 
 

[1] Văn kiện Đại hội Đảng. Tập I, tr88, NXB CTQG ST, tháng 3/2021

[2] Tài liệu đã dẫn, tr134

 

 

 
Nguyễn Nhâm