Cần có chế tài, quy định mạnh hơn trong giảm tác hại của rượu, bia 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 33 diễn ra vào sáng 12/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và một số nội dung lớn của dự án Luật.

Ngay sau Kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, thực hiện khảo sát về việc quản lý rượu, bia và lấy ý kiến đối với dự án Luật tại một số địa phương, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên gia về các nội dung lớn của dự thảo Luật.

Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 26/BC-CP ngày 18/2/2019 về tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội và ý kiến thảo luận của ĐBQH đối với dự án Luật. Tiếp theo đó, ngày 3/4/2019, Bộ Y tế đã bổ sung các Báo cáo về tổng kết thi hành pháp luật có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia; đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và đánh giá thủ tục hành chính trong nội dung dự thảo Luật.

Hiện dự án Luật được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 32 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia của Ủy ban về các vấn đề xã hội được trình bày tại phiên họp cho biết, về tên gọi của Luật, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” và một số ý kiến đề nghị lấy các tên gọi khác như: Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia; Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn hoặc Luật Kiểm soát đồ uống có cồn; Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia; Luật Kiểm soát rượu, bia; Luật về rượu, bia; Luật Hạn chế tác hại của rượu, bia; Luật Kiểm soát tác dụng có hại của các chất có cồn; có ý kiến đề nghị nghiên cứu để tên gọi của dự án Luật đảm bảo tính khả thi.

Thường trực Ủy ban thấy rằng, các tên gọi sử dụng từ “kiểm soát” hoặc “hạn chế” mới nhấn mạnh đến kiểm soát việc lưu hành, phân phối và kinh doanh sản phẩm mà chưa bao hàm biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức và những giải pháp về y tế để hạn chế, giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của rượu, bia, nhằm từng bước thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia có trách nhiệm.

Các tên gọi sử dụng từ “lạm dụng” nhấn mạnh việc điều chỉnh hành vi của người sử dụng rượu, bia ở mức có hại. Bản chất của “lạm dụng” là sử dụng quá mức, quá ngưỡng, với các tên gọi này, một mặt, sẽ tạo ra tâm lý chủ quan của người sử dụng với suy nghĩ chỉ khi lạm dụng mới có tác hại và để đến khi lạm dụng mới phòng, chống thì tính “dự phòng” sẽ không cao; mặt khác, theo Tổ chức Y tế thế giới, không xác định được ngưỡng an toàn trong việc sử dụng rượu, bia.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng cụm từ “đồ uống có cồn” trong tên gọi của Luật, tuy mang tính khái quát, bao hàm được cả rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác. Tuy nhiên, cụm từ này lại chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội (nhân dân thường nói “uống rượu, bia”, “say rượu, bia” chứ không nói là “uống đồ uống có cồn” và “say đồ uống có cồn”). Hơn nữa, rượu, bia chiếm khoảng 99,7% thị phần đồ uống có cồn tại nước ta, tác hại gây ra đối với sức khỏe và xã hội cũng xuất phát chủ yếu từ rượu, bia.

Từ những lý do trên, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề xuất không sử dụng các từ “lạm dụng” hoặc cụm từ “đồ uống có cồn” trong tên gọi của Luật và đề nghị xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án về tên gọi của Luật như sau: Phương án 1 là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phương án 2 là Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế. Thường trực Ủy ban thấy rằng, nếu chỉ đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế mà không đề cập đến các biện pháp ngoài y tế khác nhằm “giảm cung”, “giảm cầu” sẽ không bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và chưa thể chế hóa triệt để nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách liên quan đến việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể lộ trình tăng thuế ngay trong Luật và bổ sung chính sách thuế theo hướng mức thuế tương ứng với nồng độ cồn trong rượu, bia.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc quy định lộ trình tăng thuế cũng như việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia theo nồng độ cồn pháp luật chuyên ngành về thuế quy định sẽ phù hợp hơn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế. Do vậy, Thường trực Ủy ban tiếp thu một phần ý kiến của các đại biểu về vấn đề này và thể hiện tại khoản 3 Điều 3 cụ thể: “Áp dụng các chính sách thuế phù hợp, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia”.

Về địa điểm không được uống rượu, bia, có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng quy định không được uống rượu, bia tại các cơ sở, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí; bổ sung cơ sở cai nghiện, cơ sở tạm giữ và cơ sở bảo trợ xã hội; bổ sung địa điểm cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trụ sở các cơ quan hành chính, cơ quan nhà nước, viện dưỡng lão, trung tâm cai nghiện và một số địa điểm công cộng có nhiều người qua lại như bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay. Về vấn đề này, Thường trực Uỷ ban về các vấn đề Xã hội thấy rằng, việc quy định không được uống rượu, bia tại các địa điểm như cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay là chưa phù hợp với thực tiễn và không khả thi, do vậy, tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu và để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã bổ sung một số địa điểm không được uống rượu, bia tại Điều 7.

 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thảo luận về dự án Luật, các thành viên UBTVQH đã tập trung thảo luận về những vấn đề lớn liên quan đến tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật; quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; các biện pháp quản lý rượu thủ công; kinh phí và quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu, bia nhập lậu;... Đồng thời nêu ra nhiều quan điểm, kiến nghị để dự án mang tính khả thi hơn, trong đó có các giải pháp về giảm cung, giảm cầu, giảm tiếp cận và giảm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe cộng đồng.

Đưa ra hàng loạt những con số thu thập được ở các báo cáo, hội thảo về sự lãng phí lượng tiền bạc lớn bỏ ra mua rượu bia, những tác tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề xuất, “Dự án Luật cần đưa ra những quy định, chế tài mang tính mạnh tay hơn nữa nữa để giảm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe nhân dân”.

Đồng quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân ở các lứa tuổi về tác hại của rượu, bia.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định biện pháp khuyến khích cơ sở y tế công lập, tư nhân thực hiện cai nghiện rượu; quy định chính sách về nguồn lực để chăm sóc, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia; Nhà nước bảo đảm kinh phí từ ngân sách hoặc bảo hiểm y tế chi trả cho sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh có nguyên nhân từ rượu, bia và quy định ưu tiên bố trí kinh phí cho các cơ sở y tế điều trị cho người bị bệnh tâm thần để tăng cường năng lực tiếp nhận và điều trị các bệnh loạn thần do rượu bia để tăng các giải pháp giảm tác hại của rượu, bia.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định mang tính chất cấm tại các điều nằm rải rác trong dự thảo Luật và bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; bà mẹ có thai và đang trong thời gian cho con bú uống rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát tổng thể dự án Luật để các quy định được rõ ràng, chính xác; không trùng lắp; không bỏ sót trường hợp, đối tượng có liên quan đến hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; rà soát kỹ thuật trình bày trong dự thảo Luật phù hợp với quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

 

Nguyễn Hoàng
567 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1463
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1463
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84190368