Hộ gia đình người DTTS cần được tiếp cận vốn tín dụng chính sách theo hướng không phụ thuộc vào quy định chung về thời hạn và mức cho vay. (Ảnh: PL)
Gia đình anh Chẻo Văn Sơn là hộ nghèo ở xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Khi biết thông tin Nhà nước triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, anh đã đăng ký vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn này, anh Sơn đầu tư vào nuôi lợn, mở rộng diện tích nương trồng ngô, lúa. Đến nay, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng 20 - 30 con lợn và duy trì đàn bò 10 con khỏe mạnh, phát triển tốt. Phát triển sản xuất từ đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình anh Sơn chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Gia đình ông Đào Văn Ái, một cựu chiến binh ở thôn Liên Sơn, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cũng vay vốn ngân hàng để mua lợn nái về chăn nuôi. Trong vòng 4 năm, từ số tiền lãi do chăn nuôi lợn, ông đầu tư chăn nuôi bò, đào ao nuôi cá. Ông Ái còn mạnh dạn mượn rừng Nhà nước để đầu tư trồng cây keo. Đến nay, mỗi năm ông Ái thu về khoảng 100 triệu đồng từ mô hình kinh tế trang trại.
Một điển hình khác thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách là chị H’Lan, dân tộc Mạ, ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Năm 2016, chị H’Lan được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tổ chức. Qua cuộc thi, nhờ được học hỏi kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn mô hình sản xuất, cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, kinh tế gia đình chị H’Lan đã thay đổi nhanh chóng. Năm 2017, gia đình chị thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện, thu nhập của gia đình chị lên tới 180 triệu đồng/năm.
Những trường hợp thoát nghèo tiêu biểu nêu trên từ nguồn vốn tín dụng chính sách là minh chứng cho kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Trong giai đoạn 2014 - 2019, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững. Trong đó có trên 236.000 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123.000 lao động (trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng giúp trên 32.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; hơn 784.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hơn 19 căn nhà ở được xây dựng từ vốn tín dụng chính sách xã hội.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam khẳng định, vốn tín dụng chính sách đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS và giúp cho đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn DTTS... Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016-2017 giảm từ 8,23% xuống còn 6,72%. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng hộ nghèo và hộ cận nghèo người dân tộc vẫn đang là một thách thức lớn ở nước ta. Tính đến cuối năm 2018, còn 720.731 hộ nghèo là người DTTS, chiếm 55,57% tổng số hộ nghèo cả nước, còn nhiều nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giải quyết vấn đề sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo cần phải được xác định là một trong những khâu đột phá trong chính sách dân tộc.
Theo Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, để thực hiện được tư tưởng “đột phá” trong giảm nghèo cho đồng bào DTTS bằng nguồn vốn của ngân hàng, NHCSXH đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương, với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa phù hợp với từng dự án sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phụ thuộc vào quy định chung về thời hạn và mức cho vay. Với các dự án có tính khả thi, có hiệu quả thì mức vay có thể vượt mức tối đa quy định hiện nay (100 triệu đồng) và thời gian cho vay có thể trên 10 năm.
Để tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào DTTS, cần hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS được ưu tiên nhất, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được kịp thời khi các quyết định được ban hành ra. Nguồn vốn cho vay đối với hộ đồng bào DTTS được ngân sách nhà nước cấp 100%, với lãi suất cho vay phù hợp (lãi suất cho vay đối với các đối tượng là hộ DTTS bằng ½ lãi suất cho vay đối với các đối tượng cho vay không phải là đồng bào DTTS tương ứng)./.
Bài, ảnh: Phương Liên