Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có chức năng tham mưu, lập kế hoạch chính sách kinh tế đã kiến nghị 03 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
|
Những biện pháp hỗ trợ cần thiết thực và hiệu quả (Ảnh: PV) |
Theo đó, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ theo thẩm quyền thực hiện ngay các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch.Tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất… Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật...theo đúng quy định. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý II/2020…
Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, đưa ra các giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cụ thể như: Các quy định mới về đầu tư công cơ bản đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Liên quan tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, tránh tâm lý dàn trải sẽ khắc phục tình trạng "ứ đọng, dồn tắc" nguồn vốn mà vẫn tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp và người lao động có liên quan có công ăn việc làm trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay.
Do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương chưa thể tổ chức họp Hội đồng nhân dân được nên thủ tục đầu tư một số dự án chưa hoàn thành và chưa thể giao vốn triển khai được. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước 15 tháng 5 năm 2020.
Số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn (gần 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện, giải ngân trong năm 2020). Bởi vậy, các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.
Đáng chú ý là cần phải hơn bao giờ hết, tránh sự trì trệ trong bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch. Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thẩm quyền giao Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, bao gồm cả vốn nước ngoài giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi tổng số vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả điều chỉnh trong tháng 3 năm 2021.
Trong tháng 9/2020, tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (08 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 05% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công trong tháng 8-9 năm 2020 các dự án cao tốc Bắc Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc kịp thời triển khai các giải pháp một cách thiết thực và hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay sẽ là một sự động viên và trợ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và hệ thống người lao động nói chung, giúp họ không những chống chọi trong dịch bệnh mà còn có khả năng để phục hồi sau dịch bệnh.
Các chuyên gia kinh tế trong nước thì chung nhận định, việc triển khai các giải pháp cần hướng tới sự trợ giúp để doanh nghiệp sống sót và hồi phục sau dịch bệnh, do đó, "ngoài các giải pháp tín dụng và tài chính thì các giải pháp giải cứu người lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành cũng là một hướng đi cần xem xét. Tất nhiên, đối với bộ máy hành chính nhà nước các cấp, điều tiên quyết là thay đổi thái độ và cung cách làm việc, vừa góp phần giải ngân nhanh các gói hỗ trợ vừa tạo điều kiện tối đa theo đúng tinh thần chỉ đạo của chính phủ là "phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân" chứ không phải là cung cách "xin - cho", ban phát. Làm được như vậy, tin rằng, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn của dịch bệnh để củng cố và vươn lên" - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh./.