Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa có công văn số 542/TWPCTT-VP ngày 1/12 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ về việc tăng cường các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ.

 Mưa lớn nhiều ngày qua khiến nước lũ dâng cao, một số nơi ở huyện Lạc Dương xảy ra lũ ống, lũ quét nguy hiểm (Nguồn ảnh: nld.com.vn)

Từ ngày 28/11 đến nay, khu vực các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Một số trạm có mưa đặc biệt lớn như Cư Króa (Đắk Lắk) 523mm, Pờ Ê (Kon Tum) 495mm, Cư San (Đắk Lắk) 471mm, Đạ Chais (Lâm Đồng): 304mm. Mưa lớn đã gây lũ và ngập lụt, chia cắt một số vùng trũng, thấp, gây thiệt hại về người và tài sản. Tại Lâm Đồng, lũ đã cuốn 4 khách du lịch, hiện còn 2 người đang mất tích,…Ngoài ra, theo báo cáo từ các địa phương còn nhiều trường hợp du khách gặp rủi ro, nguy hiểm khác đã được hỗ trợ kịp thời.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục có mưa. Để chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây lũ và sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng khẩn trương huy động lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các du khách đang bị mắc kẹt, sẵn sàng lực lượng cứu hộ cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.

Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát du khách đi du lịch tự do, hướng dẫn để du khách không đi vào hoặc di chuyển ra khỏi khu vực có thể gặp nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình mưa lũ trên địa bàn và kiểm soát, hạn chế người dân đi vào các khu vực không đảm bảo an toàn khi dễ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn tại các khu vực có nguy cơ cao.

Đi cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả công văn số 533/VPTT ngày 27/11/2020 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị./.

 
BT