Cần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo chuỗi 

(ĐCSVN) - Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, cần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo chuỗi, trong đó, các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong việc sẽ là đầu tàu kéo ngành chăn nuôi phát triển.

 

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục Chăn nuôi diễn ra chiều 25/12, tại Hà Nội.


Thị trường thịt lợn hơi trong năm 2018 ghi nhận sự phục hồi và ở mức giá cao (Ảnh: BT)

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu xuất khẩu. Từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần, trứng tăng 3,9 lần, sữa tươi tăng 18,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần.

Trong năm 2018 ghi nhận đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt cả về quy mô đầu con và sản lượng, vượt so với kế hoạch năm 2018 đề ra. Ước tính trong năm 2018, sản lượng thịt hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Giá thịt lợn hơi bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2018 và liên tục duy trì ở mức giao cao, có một số vùng ghi nhận mức giá lên tới 55.000-58.000 đồng/kg, gây tác động đến việc tăng chỉ số CPI. Đến nay, với các giải pháp được triển khai, giá lợn hơi xuất chuồng bình quân tại các tỉnh miền Bắc duy trì ở mức từ 44.000-46.000 đồng/kg, miền Trung 47.000-48.000 đồng/kg, miền Nam 48.000-50.000 đồng/kg.

Lĩnh vực chăn nuôi gia cầm có chiều hướng phát triển ổn định, dự tính cả năm 2018 sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 1.094,8 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2017, sản lượng trứng đạt khoảng 11,8 quả, tăng 11% so với năm 2017.

Trong năm 2018, cả nước xuất khẩu được khoảng 500-550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi (gồm thịt lợn sữa và thịt lợn các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa) và khoảng 400-450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2019, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục chỉ đạo tiếp tục ổn định phát triển đàn lợn. Đồng thời, theo dõi sát về giá cả và nguồn cung thị trường các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt lợn và thông tin trên các phương tiện đại chúng để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời. Chủ động trong công tác quản lý giá thức ăn, giảm giá thịt lợn.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Đặc biệt, chỉ đạo hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ngoài những chuỗi của các trang trại, nông hộ cần tổ chức liên kết ngang. Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng vật tư, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, nhất là kiểm soát sử dụng chất cấm, việc lạm dụng kháng sinh và hóa chất công nghiệp trong thức ăn chăn nuôi, kiểm soát môi trường chăn  nuôi.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, cần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo chuỗi, trong đó, các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong việc sẽ là đầu tàu kéo ngành chăn nuôi phát triển.

Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với cơ quan thú y các địa phương làm tốt công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào nước ta. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật; tổng kết lại chiến lược phát triển ngành chăn nuôi và đặt vào trong bối cảnh hiện nay để xây dựng chiến lược mới thích hợp.

Mặt khác, cần tiếp tục cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ngành chăn nuôi, tích cực đổi mới, chuyển giao công nghệ để phát triển ngành chăn nuôi./.

 

 

BT

305 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1051
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1051
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194551