Tình trạng mất cân đối cung – cầu này xảy ra trên cả nước và đối với các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh càng thấy rõ. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho biết, thị trường lao động tồn tại nghịch lý thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.
Trong khi các doanh nghiệp “mỏi mắt” tìm lao động chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề thì hàng năm nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra lại gặp không ít khó khăn để kiếm việc làm. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề không khó bắt gặp. Nói về tình trạng này, ông Tuấn cho rằng, phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn.
Bên cạnh đó, do việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh và phụ huynh còn hạn chế nên các em thường chọn ngành nghề theo sở thích, mà không đánh giá được nhu cầu thực tế của xã hội nên có những ngành dư thừa song có những ngành vô cùng khan hiếm lao động.
Một trong những chương trình hướng nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh trong năm nay (ảnh: Đại học Kinh tế Tài chính)
Theo ông Trần Anh Tuấn, tại TP.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2018-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc mới). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, trong đó, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất là 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, cao đẳng chiếm 16%, đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%.
Theo định hướng đến năm 2025, TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỉ trọng khu vực dịch vụ, nhu cầu nhân lực giữa các khu vực cũng có sự dịch chuyển.
Đến năm 2018, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế TP.Hồ Chí Minh lần lượt là: Dịch vụ (65,19% - 65,68% - 67,84%), công nghiệp, xây dựng (32,70% - 32,40% - 30,73%) và nông nghiệp (2,11% - 1,92% - 1,43%). Trong tổng nhu cầu nhân lực, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỉ trọng 19%, 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm 45%, các ngành nghề khác chiếm 36%.
Từ những phân tích và những con số trên, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, việc hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh là vô cùng cần thiết, hướng nghiệp ngay ở các bậc phổ thông để các em có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp, việc làm trong tương lai, bởi vì chỉ cần định hướng “sai một li” là sẽ “đi một dặm”, ảnh hưởng tới tương lai và sự nghiệp sau này.
Theo ông Tuấn, đứng trên quan điểm của nguồn nhân lực không có ngành nghề nào là “hot” mà chỉ có con người “hot” trên mỗi ngành nghề đó. Do vậy, các em cần phải có sự lựa chọn đúng đắn, nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm để chủ động trong công việc và cuộc sống nhất là trong thời đại phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bối cảnh hiện nay và dự báo thời gian tới, bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, bảo đảm kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công. “Cơ hội việc làm, lương cao còn phụ thuộc vào khả năng của chính mình. Chọn ngành “hot” nhưng làm không tốt thì lương cũng không cao được”, ông Trần Anh Tuấn nhắn nhủ với các bạn trẻ.
Chia sẻ về dự báo thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, xu hướng của các ngành nghề trong thời đại công nghệ hiện nay thì những ngành nghề có nhiều việc làm như: Ngành công nghệ thông tin, ngành Marketing, ngành Quản trị kinh doanh. Trong đó, ngành công nghệ thông tin hiện nay là đứng đầu, và là một trong 3 ngành nghề có nhiều việc làm, nhu cầu rất cao không những từ bây giờ mà còn cho 30 năm tới, khi công nghệ dự kiến sẽ thay con người làm việc. Ngành công nghệ thông tin ở TP.Hồ Chí Minh cần khoảng 23.000 – 25.000 người lao động mỗi năm; và trong vòng 5 năm tới, cả nước cần 411.000 người.
Qua những dự báo về xu thế phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ông Trần Anh Tuấn đưa ra lời khuyên cho các em là nên tập trung vào những ngành nghề có liên quan đến công nghệ thông tin, các ngành về truyền thông vì đây là những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn, mang lại cho nhân sự nguồn thu nhập ổn định, cơ hội thăng tiến và địa vị xã hội.
Khi lựa chọn nghề nghiệp các em phải chú ý không chỉ lựa chọn dựa trên sở thích mà còn phải tùy thuộc vào năng lực bản thân, kỹ năng, tư duy… Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì đúng là ngành công nghệ thông tin sẽ là ngành nghề then chốt và đang cần nhiều nhân lực, tuy nhiên ngành này cũng có tính sàng lọc rất cao.
Trên thực tế cho thấy, không ít cử nhân công nghệ thông tin thất nghiệp. Hiện nay, bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ tích hợp được với công nghệ thông tin để phát triển tốt hơn. Do đó cơ hội việc làm sẽ cực kỳ rộng mở vấn đề quan trọng các em có đủ năng lực để đảm trách yêu cầu của công việc hay không?, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
VL