Cần chủ động trong phòng chống thiên tai 

Do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới, trong tháng 9 và đầu tháng 10/2017, các tỉnh Bắc Trung bộ phải oằn mình chống chọi với mưa to, lũ lớn tại nhiều địa phương trong khu vực từ Quảng Trị đến Thanh Hóa. Diễn biến phức tạp của thời tiết đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của người dân.

Oằn mình trong lũ

Đặc biệt, đợt mưa lũ từ ngày 10/10/2017 đến nay, gây thiệt hại lớn cho khu vực Bắc miền Trung và miền Bắc. Nhiều vùng tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn đang chìm trong biển nước do mưa lớn kéo dài và việc xả lũ khiến nước dâng cao. Con số thiệt hại về người và tài sản vẫn đang được cập nhật và không ngừng tăng lên.

Cần tập trung nâng cao khả năng chủ động ứng phó với thiên tai cho người dân để giảm thiểu thiệt hại

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thanh Hóa, tính đến cuối ngày 11/10/2017, Thanh Hóa có 8 người chết, 3 người bị thương, 4 người mất tích, 39 nhà sập hoàn toàn, 6.103 nhà bị ngập, 9 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Có 423ha lúa bị ngập; 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi; 5.541ha ngô bị ngập, đổ, gãy; 573ha mía bị thiệt hại; 14.537ha rau màu bị ngập, hư hỏng; 142ha cây ăn quả bị ngập; 1,5ha cây công nghiệp bị đổ, gãy; hơn 4.789ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 1.128 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 6 đập dâng nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 6 đập đất bị sạt lở; 7 hồ nhỏ và 514 m bị sạt lở; 119 m kênh mương sạt lở, hư hỏng; 5 cống bị hư hỏng; 311 m đê bị vỡ, sạt lở. Quốc lộ 217 bị sạt lở 1.200m3... đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở hàng nghìn mét khối; 25 cột điện bị đổ.

Cá biệt, tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa), đặc biệt xã Tượng Sơn nhiều thôn như Bồng Sơn, Cát Lễ, Kén, Vân Thạch… ngập sâu trong nước, với 412 hộ dân, với gần 2.000 người dân bị cô lập hoàn toàn. Nhiều hộ dân bị nước ngập gây hư hỏng vật dụng, tài sản, sinh hoạt, cuộc sống đảo lộn...

Còn theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, mưa lũ làm 6 người chết, 2 người mất tích, 4 nhà dân bị sạt lở, 735 nhà dân bị ngập; hơn 152ha lúa và hơn 4.951ha ngô và rau màu các loại bị ngập, gần 8.000 gia cầm bị chết, 1.922ha ao hồ bị ngập...

Nhiều xã, phường tại TP. Vinh bị ngập từ 0,5 đến 1m, có nơi ngập 2m. Nhiều hộ tư thương ở chợ Vinh bị hư hỏng hàng hóa do mưa lũ, thiệt hại ước nhiều tỷ đồng. Các tuyến đường quốc lộ như 48, 48B, 48E, 15A, 16..., cũng như tỉnh lộ ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn... bị ngập từ 2 đến 3 m...

Tương tự, các địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng đối với tài sản, cây trồng, vật nuôi của nhiều hộ dân, nhiều công trình dân sinh như đường, điện… cũng bị hư hỏng nặng do ngập sâu trong nước lũ.

Cần tích cực và chủ động

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đợt mưa trong những ngày qua chưa từng có trong khoảng 10 năm trở lại đây. Đợt thiên tại lần này đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương, kéo dài từ Bắc miền Trung đến miền Bắc và Tây Bắc. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động nhất do thiên tai và biến đổi khí hậu.

Gần đây, thiên tai ngày càng gia tăng và phức tạp khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để đáp ứng yêu cầu cho việc ứng phó hiệu quả với thiên tai, Chính phủ đã có sự đầu tư kỹ lưỡng. Đó là phải quan tâm hàng đầu về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Cùng đó, cần tập trung đầu tư trang bị thiết bị vật tư cần thiết, xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai quốc gia trên bản đồ trực tuyến, các công cụ hỗ trợ, kể cả việc sử dụng công nghệ bay chụp thu thập thông tin về thiên tai để thực hiện trong các trận lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt… được chú trọng. Đặc biệt, việc tổ chức trực ban 24/24h trong ngày và sự liên lạc chặt chẽ, linh động luôn được tuân thủ chặt chẽ.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị quản lý đê, phòng chống, thiên tai, để nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, lập kế hoạch ứng phó… cho cán bộ các cấp và nhân dân.

Khi thiên tai xảy ra, thông tin diễn biến thiên tai do bộ máy chuyên trách phòng chống thiên tai nhận được đều được gửi đến các bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã/phường và nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, truyền hình, báo mạng, trang tin điện tử, mạng xã hội… để đảm bảo mọi người được biết và chủ động phòng, tránh.

Một trong những yếu tố quan trọng là chính quyền và cơ quan chức năng cần tập trung nâng cao nhận thức của xã hội và nhận diện các dạng hình thiên tai là những giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều.

Bài và ảnh Chí Thiện

509 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 858
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 858
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77258268