Hội nghị Điều Quốc tế lần thứ 13 được tổ chức nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Ngày 27/2, tại Quảng Bình, hơn 370 đại biểu từ gần 40 nước và các tổ chức: Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC), Hiệp hội Hạt Trung Quốc (CNA), Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA), Liên hiệp Hội Điều châu Phi (ACA)... tham dự Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 năm 2024. Sự kiện do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại của Việt Nam, nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm hạt điều của Việt Nam, xúc tiến xuất khẩu, xây dựng và củng cố mối quan hệ bền vững giữa hiệp hội và các doanh nghiệp ngành điều trong nước với các nhà chế biến, nhà cung cấp điều thô lớn từ các nước châu Phi, Campuchia cùng các doanh nghiệp chiên rang, nhà phân phối, bán lẻ... từ các thị trường tiêu thụ lớn ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc.
Nhiều nguy cơ đối với ngành điều
Sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới suy giảm mạnh, tiếp đó là xung đột giữa Nga - Ukraine và cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã tác động lớn đến nền kinh tế các nước, tạo ra những thách thức không nhỏ đến chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Vượt lên những thách thức ấy, năm 2023, ngành điều Việt Nam đã lập một kỷ lục mới, xuất khẩu hơn 645.300 tấn điều nhân, tăng 24,33% so với 2022, đạt giá trị hơn 3,5 tỷ USD. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử ngành điều Việt Nam (năm 2021, lượng điều nhân xuất khẩu đạt 609.260 tấn).
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 65.142 tấn, giá trị khoảng 351 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam tăng 139% về lượng và tăng 126% về giá trị. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông sản.
Mặc dù ngành điều Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau khi tăng trưởng âm cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, thế nhưng, theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, phía sau con số kỷ lục ấy có nhiều vấn đề đang là mối nguy cơ lớn đối với ngành điều Việt Nam cũng như đối với ngành điều toàn cầu. Cụ thể, đó là sự tăng trưởng "nóng" của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, đẩy giá điều thô tăng rất cao trong khi giá nhân điều lại giảm sâu, khiến nhiều nhà chế biến thua lỗ.
Vấn đề cảnh báo của khách hàng về an toàn thực phẩm đối với điều nhân sơ chế của nước ta gia tăng. VINACAS đã nhận được văn bản chính thức từ hai khách hàng lớn ở châu Âu và Mỹ cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam giảm. Trong đó, nổi lên vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng và tạp chất.
Tình hình tội phạm lừa đảo quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, điển hình là vụ lừa đảo 74 container hạt điều tại Italy, và gần đây là 5 container tại Trung Đông. Các tranh chấp trong mua bán điều cũng phát sinh nhiều.
Ở thị trường thế giới, sự tăng trưởng "nóng" về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này chưa phát triển. Theo Chủ tịch Hội đồng Hạt quả khô Quốc tế (INC), ông Micheal Waring, hiện quốc gia có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới hiện nay là Bờ Biển Ngà, từ 680.000 tấn/năm đã tăng lên 1,25 triệu tấn/năm. Hay sản lượng điều thô của Campuchia cũng đã tăng từ 200.000 tấn/năm, lên 650.000 tấn/năm, dự kiến tăng lên 1 triệu tấn trong những năm tới. Điều này dẫn đến mất cân đối cung cầu, tạo bất ổn cho thị trường.
Cùng với đó, một số nước có sản lượng lớn nhưng áp dụng chính sách bảo hộ với điều thô, như quy định mức giá bán tối thiểu; thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... cũng đã đẩy giá điều thô cao.
Ngoài ra, sự cạnh tranh mạnh của các loại hạt khác và vấn đề nhu cầu tiêu dùng giảm cũng khiến các nhà chiên rang điều và kinh doanh siêu thị trên thế giới không thể tăng được giá bán và do đó không tăng được giá mua nhân điều (năm 2023, giá điều nhân xuất khẩu so với năm 2022 của Việt nam ở mức 5.566 USD/tấn, giảm 4,18%; giá điều nhân xuất khẩu của Brazil ở mức mức 5.724 USD/tấn, giảm 10%; giá điều nhân xuất khẩu của Ấn Độ ở mức 5.947 USD/tấn, giảm 21,2%).
Các đại biểu dự Hội nghị điều quốc tế Việt Nam tại Quảng Bình - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Cần định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu
Nhiều phát biểu tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 cho rằng, tăng trưởng "nóng" và những vấn đề hiện nay của ngành điều sẽ tác động tới cân đối cung cầu, tạo ra bất ổn trên thị trường, đặc biệt, khi Việt Nam, trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu gặp trục trặc cần phải được quan tâm giải quyết.
Theo ông Phạm Văn Công, với thị phần gần 80% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới, nếu tình trạng nói trên tiếp tục diễn ra sẽ tạo rất nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến việc nhiều nhà chế biến của Việt Nam có thể phá sản. Do đó, Hội nghị là cơ hội để các bên cùng tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu cho năm 2024 và những năm tiếp theo, giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định và bền vững.
Nêu vấn đề giá điều nhân chế biến giảm đã kéo theo giá điều thô giảm trong khi đó giá bán đến người tiêu dùng vẫn ở mức cao, ông Adama Coulibaly, Tổng Giám đốc Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA), cho rằng doanh nghiệp chế biến không có lợi nhuận sẽ phải đóng cửa và nhà sản xuất điều thô không có lãi cũng sẽ ngưng sản xuất. Do vậy, nhà sản xuất và doanh nghiệp chế biến cần phải có tiếng nói chung, cần phải điều chỉnh lại sự vận hành của chuỗi cung ứng điều hiện nay, sao cho lợi ích được phân phối hợp lý cho các bên tham gia, đưa ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Adama Coulibaly cũng cho biết, với trên 1,25 triệu tấn điều thô mỗi năm, Bờ Biển Ngà có kế hoạch phát triển ngành chế biến, dự kiến khoảng 500.000 đến 600.000 tấn. Ông cũng hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào ngành chế biến điều của Bờ Biển Ngà.
Chủ tịch Liên hiệp hội Điều châu Phi (ACA), ông Babatola Faseru nhìn nhận Việt Nam vừa là nhà nhập khẩu vừa là nhà sản xuất điều lớn nhất thế giới. Trong khi đó, ACA là nhà sản xuất lớn, chiếm trên 50% sản lượng điều thô toàn cầu. Do đó, ông cho rằng, ngành điều châu Phi và ngành điều Việt Nam cần hợp tác cùng phát triển. ACA đang nỗ lực để cân bằng lợi ích cho các bên trong chuỗi, phát triển lĩnh vực chế biến để gia tăng giá trị.
Bà Chen Ying, Tổng thư ký Hiệp hội hạt Trung Quốc (CNA) cho rằng, nhu cầu của thị trường Trung Quốc về các loại hạt còn rất lớn, rất tiềm năng cho hạt điều. Đây là cơ hội cho ngành chế biến hạt điều nhân xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cần thúc đẩy tiêu thụ chính ngạch, tránh giao dịch bất hợp pháp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công, việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và các nước sản xuất điều trên thế giới là cần thiết để tìm tiếng nói chung, liên kết với nhau giải quyết những bất ổn, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của ngành.
Mạnh Hùng