Cần chính sách căn cơ cho phát triển giống thủy sản 

(Chinhphu.vn) - Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2025 là từ 12,5 tỷ USD đến 14 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong công tác phát triển giống khiến ngành này chưa thực sự phát triển bền vững.
Thủy sản cần chính sách căn cơ cho phát triển giống - Ảnh 1.

Hằng năm kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Từ câu chuyện ngành tôm và cá tra

Tôm và cá tra là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Hằng năm kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng trên 40%, cá tra chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên câu chuyện về phát triển giống cho tôm và cá tra vẫn còn nhiều bất cập khiến các sản phẩm này bị hạn chế tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với diễn tiến như hiện nay thì năm 2023 lượng nguyên liệu tôm nuôi trong nước có thể chỉ đảm bảo 40-50% nhu cầu sản xuất. Chất lượng đầu vào dẫn đến tình trạng tôm nuôi chết trên diện rộng ở một số nơi (tỉ lệ tôm nuôi thành công hiện nay tầm 40%)... Nguyên nhân do con giống ban đầu không tốt, không đồng đều, dễ bị nhiễm bệnh, tôm nuôi chậm lớn, môi trường nước bị ô nhiễm dẫn đến dễ lây lan dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây bất lợi trong nuôi tôm…

Về ngành hàng cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết, các doanh nghiệp cá tra cũng rất khó khăn trong khâu sản xuất giống.

Bà Tâm cho biết, ngành cá tra hiện nay có khoảng 200 cơ sở nuôi cá tra bố mẹ để cung cấp cho khoảng 4.000 hộ nuôi cá tra giống mỗi năm. Hiện nay vẫn chưa hình thành liên kết giữa các hộ nuôi cá tra giống với doanh nghiệp nuôi cá thương phẩm.

"Việc nuôi cá tra giống đa phần vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ chưa đủ điều kiện đảm bảo về chất lượng, cũng như nguồn lực tài chính. Còn hay xảy ra tình trạng 'giá thấp thì treo ao còn còn giá cao thì nuôi ồ ạt', cho ăn nhiều để rút ngắn thời gian dẫn đến nguồn cung giống không đảm bảo. Điều này đôi khi cũng dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá"; hay chi phí giống tăng cao bất thường, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra", bà Vi Tâm cho biết.

Bà Tâm cũng lấy ví dụ thực tế từ công ty mình, để nghiên cứu được một loại gen hiệu quả cho cá tra thương phẩm mất khoảng 10 năm, nên nếu chỉ tập trung nghiên cứu thì sẽ không có lợi nhuận. Chính vì vậy doanh nghiệp khi làm về công tác giống sẽ gặp áp lực rất lớn về nguồn vốn, nguồn lực cơ sở vật chất, khó khăn nhất là đất đai. "Nhiều khi muốn mở rộng cho việc nghiên cứu phát triển các dự án thì lại hết thời gian cho thuê đất", bà Tâm chia sẻ.

Cần sự xuyên suốt trong chủ trương

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, để công tác phát triển giống thủy sản đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.

Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp ngành thủy sản và lâm nghiệp ngày 13/4, ông Quang đã đề xuất cụ thể về việc hợp tác giữa các doanh nghiệp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản về các vấn đề cải thiện giống, gene di duyền tôm sú giống, tôm bố mẹ chân trắng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu thời tiết, kháng bệnh thích nghi từng vùng miền để đưa tỉ lệ nuôi tôm thành công lên trên 80% vào năm 2035.

Ông Quang cho biết hiện giá tôm Việt Nam đang cao hơn 30% so với tôm Ấn Độ và gấp đôi giá tôm Ecuador, nếu hợp tác nghiên cứu thành công thì trong một thời gian ngắn sẽ giảm được giá thành tôm Việt Nam.

Về lĩnh vực cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cũng cho biết làm tốt các khâu như chọn lọc gen cá, tiêm vaccine cho cá giống… cần đội ngũ có chuyên môn cao nên thực sự cần những doanh nghiệp có năng lực tài chính vào cuộc để tạo thành động lực phát triển cho ngành.

Bà Tâm nhìn nhận, các quy định, chính sách và chủ trương dành cho ngành nông nghiệp nói chung và đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đã khá đầy đủ. "Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa mạnh dạn vận dụng tối đa các chủ trương này khiến các doanh nghiệp làm cá tra giống vất vả hơn các doanh nghiệp làm cá tra thành phẩm rất nhiều. Nhiều khi chưa cảm nhận được sự chào đón đầu tư trong lĩnh vực này", bà Tâm chia sẻ.

Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng hy vọng các địa phương có tầm nhìn kiên định và dài hạn trong quy hoạch: "Chúng tôi rất khó cạnh tranh nguồn lực về đất đai với các dự án bất động sản hay du lịch. Các dự án phát triển giống nếu không có cam kết lâu dài thì không thể mở rộng đầu tư".

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ hôm qua, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cũng thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản đề xuất Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo việc đầu tư mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản.

Đặc biệt cần khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản.

Đỗ Hương

508 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1479
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1479
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88997166