Cần cải tiến trong chính sách phát triển giống cây trồng 

(Chinhphu.vn) - Ngày 26/12, báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phối hợp tổ chức Diễn đàn "Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam".
Cần cải tiến trong chính sách phát triển giống cây trồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Các tham luận tại Diễn đàn cho rằng, giống cây trồng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, có được nguồn giống tốt thì cây trồng có được khởi đầu tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn những bất cập trong quản lý giống cây trồng cần tháo gỡ.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam nhìn nhận: "Còn nhiều bất cập trong quy định tự công bố lưu hành, hướng dẫn không cụ thể và còn phức tạp, tốn chi phí và thời gian của các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực nghiên cứu, thương mại giống cây trồng. Bên cạnh đó, về tên gọi bản quyền giống cây trồng cũng cần được làm rõ, vì thực tế có những giống mà doanh nghiệp kinh doanh lâu năm nhưng lại bị doanh nghiệp mới tham gia kinh doanh đăng ký tên gọi khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống lâu năm gặp khó khăn trong vấn đê bản quyền".

Liên quan đến vấn đề nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành, đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên, điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Chính sách phù hợp với thực tiễn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống thuận lợi, tạo lợi ích cho người sản xuất cũng như toàn xã hội và ngược lại.

Ông Trần Đình Long nhìn nhận: "Các văn bản hướng dẫn dưới Luật Trồng trọt, về phía Bộ NN&PTNT sẽ công bố danh sách những loại giống chính theo từng giai đoạn, như hiện nay không cần phải quy định là 6 giống thuộc loại cây trồng chính, mà chỉ nên để lúa là giống cây trồng chính. Bên cạnh đó cần đơn giản hóa việc khảo nghiệm giống, không nên khảo nghiệm ở 18 vùng như hiện nay".

Cần cải tiến trong chính sách phát triển giống cây trồng - Ảnh 2.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch hội Giống cây trồng Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam, nêu những vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật đối với quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam.

Theo đó, Luật Trồng trọt cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.

Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm liên quan hiện nay thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... Dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến.

Việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân. Thực tế các giống chuyển gen vẫn đang lưu hành và canh tác trên thị trường song song với giống nền không biến đổi gen từ năm 2015.

Trên cơ sở đó, bà Đặng Ngọc Chi đề xuất: Bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến (kháng sâu, kháng bệnh, chống chịu thuốc BVTV và chống chịu căng thẳng phi sinh học...) và cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về năng suất trong tiêu chí công nhận vào các tiêu chuẩn liên quan đối với cây ngô.

Làm rõ thêm những vấn đề các đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong những năm qua, Luật Trồng trọt cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp nói chung, trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng, tuy nhiên từ phương thức quản lý cũ chuyển sang phương thức mới cho thấy còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Từ phương thức quản lý cũ, chuyển sang phương thức quản lý mới. Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi những điểm chưa phù hợp trong Luật trồng trọt để trình Chính phủ sửa đổi trong năm 2024 theo tinh thần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, tăng thu nhập cho người dân trực tiếp sản xuất.

Ông Cường thông tin: "Về một số cây trồng chính, cây dài ngày vẫn còn chậm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn ảnh hưởng đến quá trình công nhận quyết định công nhận lưu hành giống. Cục Trồng trọt cũng đã có văn bản thông báo là những thông tin cần cung cấp và quan điểm là doanh nghiệp sẽ tự công bố tự chịu trách nhiệm, Cục Trồng trọt sẽ tiến hành hậu kiểm".

Đỗ Hương

233 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1265
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1266
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226025