Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/12/2017 giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân trước đó.
Việc điều chỉnh này đã được cân nhắc và tính toán kỹ càng từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước sau nhiều lần trì hoãn kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gần nhất cách đây 2 năm 9 tháng.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện lần này được thực hiện dựa trên kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016, đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra của Tổ công tác liên Bộ trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 tại Quyết định số 24/2017/QĐTTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương Điều chỉnh tăng giá điện lần này thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và cũng là bước thực hiện lộ trình hướng đến cơ chế thị trường.
Cần đánh giá công bằng, khách quan trong việc tăng giá điện
Theo phân tích của GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, trong tương lai gần xu thế giá điện sẽ tăng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ bởi các dự án nguồn lớn có thế mạnh như thủy điện đã được khai thác tối đa trong khi nguồn năng lượng tái tạo thời gian trước mắt giá vẫn còn cao. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác tác động đến, đặc biệt là yếu tố biến động tỉ giá của các ngoại tệ mạnh ngày càng bất lợi cho đồng Việt Nam.
Đề cập đến việc công khai minh bạch trong việc điều chỉnh tăng giá điện lần này GS. Trần Đình Long cho rằng xét về phương diện văn bản pháp lý đã tương đối rõ ràng vì theo quy định giá điện được cấu thành từ 4 thành phần cơ bản là giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện và giá các dịch vụ phụ trợ.
Như vậy từng thành phần cấu thành giá điện đã được xác định rõ ràng và hoàn toàn có thể kiểm tra được qua các thông số cụ thể từ các bộ, ngành chức năng với sự tham gia giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, MTTQVN, VCCI, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Hội Điện lực Việt Nam…
GS Trần Đình Long cũng lưu ý công luận cần làm rõ và công bằng, khách quan trong việc xử lý vấn đề tăng giá điện bởi trong thực tế nhiều mặt hàng cũng được các ngành điều chỉnh tăng giá liên tục với biên độ lớn nhưng không gây phản ứng mạnh như với việc tăng giá điện trong khi việc điều chỉnh giá điện lần này đã được xem xét, đánh giá, cân nhắc kỹ càng. Lần điều chỉnh tăng giá gần nhất cũng đã diễn ra gần 3 năm và mức điều chỉnh tăng 6,08% là mức vừa phải.
Tuy nhiên GS. Trần Đình Long cũng khuyến cáo kiểu tăng giá “giật cục” mà không linh hoạt theo biến thiên của các yếu tố đầu vào trong đó có nhiên liệu sẽ gây ra một số khó khăn bởi nếu để trong thời gian dài mới điều chỉnh giá mà không theo kịp biến động của các yếu tố đầu vào thì biên độ điều chỉnh giá sẽ lớn với mức tăng cao hơn và gây áp lực lớn cho người tiêu dùng.
Đã tính toán tác động đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện
Tại cuộc họp báo chiều ngày 1/12 công bố thông tin chính thức về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Trong báo cáo đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương cũng đã tính toán, xem xét yếu tố tác động đến từng đối tượng khách hàng.
Cụ thể, sau điều chỉnh, mức tăng bình quân đối với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ khoảng 5,7%; nhóm khách hàng sản xuất từ 1,4-6,4%; khách hàng hành chính sự nghiệp khoảng 4,97%.
Riêng nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt do áp dụng biểu giá bậc thang nên tác động của việc điều chỉnh sẽ tùy theo mức sử dụng điện của khách hàng. Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng, mức tăng là 3.250 đồng; từ 50-100 kWh là 6.600 đồng; từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng; từ 300 kWh là 23.600 đồng; lớn nhất là hộ tiêu dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, mức tăng thêm sẽ là 34.800 đồng.
Với 4,1 triệu khách hàng là hộ nghèo, hộ chính sách được Chính phủ hỗ trợ 30 kWh đầu tiên, khoản hỗ trợ tương đương mức giá mới là 51.000 đồng/tháng với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 2500 tỷ đồng mỗi năm.
Đánh giá về những tác động từ việc tăng giá điện đến doanh nghiệp (DN), Trang tin Điện tử ngành Điện dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến DN do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Khi phát sinh bất cứ một khoản chi phí nào cũng đều ảnh hưởng đến lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh ban đầu của DN. Vì vậy, biện pháp để giảm sản lượng tiêu thụ điện, các doanh nghiệp cũng như người dân cần triệt để tiết kiệm, khuyến khích đầu tư vào năng lượng điện tái tạo như: điện mặt trời, điện gió… đó là động cơ để khuyến khích tự sản xuất điện. Đây là xu thế mà trên thế giới đang áp dụng.
Đề cập về vấn đề tăng giá điện và ảnh hưởng đến lạm phát và chi phí sản xuất của doanh nghiệp ông Tuấn cho biết “ Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành tham gia đóng góp ý kiến trong đó, theo đánh giá của Bộ kế hoạch và Đầu tư thì giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017”
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm dẫn ra số liệu cho biết trong tổng số 28,5 triệu hộ sử dụng điện thì có tới 78% số hộ có mức tiêu thụ dưới 200 kWh.
Ông Lâm cũng dẫn ra số liệu theo tính toán của các chuyên gia thì CPI bị ảnh hưởng 0,1% và GDP bị ảnh hưởng 1,66% trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lần này.
Toàn Thắng