Dịch COVID-19  đã tác động hầu hết đên các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ . (Ảnh: M.P)

Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành cho thấy có 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trong đó 72,3% doanh nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn trên 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…

Đối với doanh nghiệp FDI, ngành nghề ảnh hưởng lớn nhất là doanh nghiệp bất động sản (100%) tiếp đến là thông tin, truyền thông, nông nghiệp thủy sản, sản xuất may mặc, đồ da, dệt, bán buôn, bán lẻ…

Theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động…

Kết quả điều tra chỉ ra các doanh nghiệp mới hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Cụ thể, 89% doanh nghiệp tư nhân và 92% doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Cùng với đó, báo cáo cũng chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp cắt giảm lao động vì ảnh hưởng bão dịch. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, việc thực hiện biện pháp cho người lao động nghỉ việc do tình hình kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch COVID-19 là điều doanh nghiệp phải làm, song có sự khác biệt nhất định theo quy mô và khu vực kinh tế. Cụ thể, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho công nhân nghỉ việc.

Ước tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, với các doanh nghiệp FDI con số này là khoảng 17%. Những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%. 

Trước khi VCCI công bố báo cáo, cơ quan thống kê là Tổng cục Thống kê cũng đã cho biết, do tác động của dịch COVID-19 nên tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành tăng cao, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.

Báo cáo cho thấy 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI đã thực hiện ít nhất một biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 như dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới…

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đa số doanh nghiệp đánh giá các chính sách là hữu ích nhưng các chính sách còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ .

Ông Lộc cho rằng, do tác động của COVID-19, năm 2020 cũng là năm mà mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây, và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp.

Cần giải pháp hỗ trợ đồng bộ cả ngắn và dài hạn

Từ  tháng 3/2020 khi dịch bệnh vừa bùng phát, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm 2020, có 95 văn bản của cấp trung ương, cấp địa phương ban hành liên quan tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh.

Một số gói hỗ trợ lớn được Chính phủ tung ra, đó là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất 180.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ trả lương lao động 16.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp được khảo sát cho biết chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, trong khi chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khó tiếp cận nhất.

Trong khi đó ông Vũ Tiến Lộc nói, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, là bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.

Đơn cử, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Quan trọng hơn, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh./.

 
M.P