|
Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Lùi sâu trên bảng xếp hạng PAR INDEX
Theo kết quả bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2017, tỉnh Quảng Nam đạt 73,27 điểm (giảm 0,39 điểm so với năm 2016) xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 20 bậc so với năm 2016.
Đây không phải là năm đầu tiên Quảng Nam lùi sâu trên bảng xếp hạng PAR INDEX cấp tỉnh. Nhìn lại từ năm 2012 đến 2017 cho thấy, địa phương này luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng trung bình, dưới mức trung bình của cả nước. Cụ thể, năm 2012 Quảng Nam xếp hạng 29, năm 2013 xếp hạng 52, năm 2014 xếp hạng 35, năm 2015 xếp hạng 38, năm 2016 xếp hạng 32 và đến năm 2017 xếp hạng 52.
Phân tích chi tiết các tiêu chí thành phần của PAR INDEX năm 2017, ông Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam cho biết, tỉnh có 2 tiêu chí đạt chỉ số thành phần thấp, dưới 60 điểm/100 điểm, trong đó, tiêu chí xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạt 55,54/100 điểm và hiện đại hóa nền hành chính đạt 50,99/100 điểm.
Lý giải nguyên nhân 2 tiêu chí trên đạt điểm thấp, ông Nguyễn Hữu Sáng cho rằng, do năm 2017 tỉnh tập trung quá nhiều thời gian cho công tác phục vụ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của Trung ương đối với tỉnh nên chưa hoàn thành việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo cơ cấu ngạch công chức, viên chức. Bên cạnh đó, qua thanh tra, kiểm tra trong năm 2017 đã phát hiện tại tỉnh có nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở, cấp phòng. Cấp tỉnh, cấp huyện đều có cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách trở lên và cấp xã có cán bộ công chức bị kỷ luật cảnh cáo trở lên.
Đến nay, Quảng Nam vẫn chưa xây dựng và triển khai kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; chưa thực hiện kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ tỉnh đến xã; hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh chưa kết nối liên thông tới 100% các sở, ngành, huyện, xã…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, việc Quảng Nam giảm đến 20 bậc trên bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2017 đã trở thành vấn đề “nóng”, được lãnh đạo tỉnh hết sức lưu ý để tìm giải pháp khắc phục, cải thiện trong thời gian tới.
Theo ông Thanh, qua các phân tích các chỉ số có liên quan, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy công tác cải cách hành chính (CCHC) bên trong của tỉnh, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, bộ máy hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, hiện đại hoá nền hành chính công, tài chính công và nhiều nội dung khác nữa,… Quảng Nam chưa làm được. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến diễn biến thất thường của chỉ số PAR INDEX của tỉnh trong 5-6 năm qua.
“Điều này cho thấy, nỗ lực của chính quyền Quảng Nam trong CCHC chưa đều, chưa đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi CCHC. Nhất là nhận thức của những người đứng đầu các sở, ban, ngành và của chính quyền địa phương ở cấp cơ sở huyện, xã về tầm quan trọng trong CCHC, trong đó có việc chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân”, ông Lê Trí Thanh đánh giá.
|
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu cán bộ trên địa bàn tỉnh phải thay đổi tư duy, từ quản lý sang phục vụ. Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Phải bỏ ngay tư duy ‘khệnh khạng kiểu quan’
Theo ông Nguyễn Phi Thạch, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), nhận thức, thái độ phục vụ của cán bộ quyết định thành, bại trong CCHC. Do vậy cần thay đổi nhận thức, rèn luyện nhân cách cán bộ công chức, phải sâu sát với cơ sở, với người dân và doanh nghiệp; sẵn sàng thực hiện những hành động, việc làm cụ thể để giúp nhân dân, qua đó đẩy manh công tác CCHC và xây dựng hình ảnh người cán bộ tốt hơn trong mắt người dân.
Tại hội nghị đánh giá về kết quả công tác CCHC năm 2017 của tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, có nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện CCHC tại đơn vị của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Quang trăn trở: “Chúng ta đang chuyển từ chính quyền quản lý sang phục vụ, nhưng cán bộ còn tư duy kiểu khệnh khạng như một ông quan thì còn lâu mới chuyển biến được”, và nêu rõ: “Muốn cải thiện, chúng ta phải tự soi lại mình, rằng vì sao lại bị thứ hạng thấp, từ đó, tự rút ra kinh nghiệm để thay đổi nền hành chính này, sửa ngay hình ảnh, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, gỡ bỏ các điểm nghẽn, tạo sự đột phá trong CCHC”.
Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu, trong thời gian tới, tất cả cán bộ, công chức, viên chức phải thay đổi tư duy làm việc, từ quản lý sang phục vụ, bỏ ngay thái độ nhiêu khê, nhũng nhiễu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho hay, việc Quảng Nam xếp thứ hạng quá thấp chỉ số CCHC cấp tỉnh suốt nhiều năm liền là không ổn. Vì vậy, ông yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, coi CCHC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức nếu phát hiện có thái độ sách nhiễu, tiêu cực.
Ông Đinh Văn Thu đề nghị sở, ngành, địa phương rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính để cắt bỏ, giảm bớt và rút ngắn thời gian giải quyết. Trước mắt, rà soát lại tất cả các chỉ số thành phần PAR INDEX, chú ý các nguyên nhân đạt điểm thấp để khắc phục, cải thiện nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Đồng thời chú trọng công tác ứng xử, sự hài lòng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách nhằm tăng cường tính minh bạch trong giao dịch hành chính…
Đây là những việc mà lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải chú trọng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Thế Phong