Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 6/6 - Ảnh: VGP
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng dân tộc ở đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn có phát sinh những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai và thực hiện. Cử tri cho rằng cần có những định hướng hoàn thiện về cơ chế, chính sách dân tộc trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng đưa ra quan điểm về xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Uỷ ban Dân tộc đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Trải qua 2 nhiệm kỳ cũng đã nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII nhưng vì lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc có liên quan đến nhiều chính sách khác nhau nên để đảm bảo xây dựng một bộ luật phù hợp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không chồng chéo, cần phải có thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên chưa trình Quốc hội.
"Theo quan điểm của tôi, việc có Bộ Luật Dân tộc là rất tốt, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách vì công tác dân tộc ở tất cả lĩnh vực, cả hệ thống chính trị chứ không phải pháp luật chuyên ngành", Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.
Ảnh: VGP
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) phản ánh: "Nghị định 05 năm 2011 về công tác dân tộc đã ban hành 12 năm, hiện nay có nhiều bất cập, đề nghị Ủy ban Dân tộc cho biết đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 05 về công tác dân tộc hay chưa? Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 71 gửi các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Với vai trò là cơ quan thường trực của chương trình này đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào Bộ thực hiện xong theo yêu cầu của Công điện 71 để cho các địa phương triển khai thực hiện?"
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Nghị định 05 ban hành từ năm 2011 và đã trải qua hai lần đại hội Đảng, các chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã được các bộ, ngành triển khai nghiêm túc. Trong 12 năm qua, các bộ, ngành đã ban hành 415 văn bản để triển khai nghị định này. Các địa phương đã ban hành 711 văn bản.
Tuy nhiên, sau quá trình rà soát và đánh giá, Ủy ban Dân tộc thấy rằng, sau khi Nghị định 05 ra đời năm 2011 thì Hiến pháp năm 2013 ban hành sau, tiếp theo đó là kết luận 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88 và 120, vì vậy, nhiều chủ trương chính sách khác liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được cập nhật và bổ sung.
Một số vấn đề thực tiễn cần phải được điều chỉnh. Qua đánh giá việc thực hiện Nghị định 05, Ủy ban Dân tộc báo cáo Thủ tướng và hiện Thủ tướng đã giao chính thức cho Ủy ban chủ trì để cùng các bộ, ngành tổng kết Nghị định 05 và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung. Ủy ban Dân tộc sẽ trình Chính phủ các nội dung sửa đổi này trong năm 2023.
Phấn đấu năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho đồng bào dân tộc
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực 1, 2, 3, nhất là khi 2,4 triệu người không còn là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trả lời về khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.
Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.
Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm, trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển. Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn.
"Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có tỉ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Với những xã có tỉ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa tuy nhiên trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập", Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.
Về tác động của Quyết định số 861, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn là hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Hiện dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng cho biết, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất.
Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026-2030. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách nào.
"Về đất sản xuất, thống kê cho thấy nhiều nơi có quỹ đất hỗ trợ xây dựng mô hình sắp xếp dân cư tập trung, nhưng cũng có nơi không còn quỹ đất. Các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai chính sách. Chúng tôi sẽ rà soát để có quỹ đất cấp cho bà con", Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.
Hải Liên